Sáng ngày 21/02, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành dệt may tại Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, báo cáo này được Tổ khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, phân tích trên cơ sở dữ liệu khảo sát từ một số công đoàn cơ sở ngành Dệt may trong phạm vi toàn quốc trong tháng 9-10/2024. Đối tượng được khảo sát, cung cấp thông tin là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp dệt may.
Theo đó, trong giai đoạn 2012-2021, số lượng doanh nghiệp dệt may tăng bình quân hàng năm là 8%; đến năm 2024, số lượng khoảng 7.000 doanh nghiệp. Tổng số lao động làm việc trong ngành Dệt may đã tăng từ gần 1,8 triệu người năm 2012 lên khoảng 3 triệu người năm 2024, trong đó, khoảng 74% lao động là nữ.
Đợt khảo sát lần này có 735 doanh nghiệp dệt may có công đoàn cơ sở gửi báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động về Tổng LĐLĐ Việt Nam để tham gia đánh giá. Kết quả thống kê cho thấy, thu nhập bình quân chung của người lao động ngành Dệt may là 10,4 triệu đồng/người/tháng.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tổ chức khảo sát tại 15 doanh nghiệp. Tổng số công nhân lao động: 14.255 lao động; Trong đó, lao động nữ: 11.835 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 83%; Tổng số đoàn viên công đoàn: 13.857 đoàn viên; chiếm tỷ lệ 97%; Trong đó đoàn viên nữ có: 11.544 đoàn viên, chiếm tỷ lệ 83.3%; Thu nhập bình quân của các công ty may trên địa bàn tỉnh từ 6.000.000đ/người/tháng đến 9.500.000đ/người/tháng.
Dự báo trong năm 2025, có 71,3% doanh nghiệp duy trì ổn định đơn hàng như năm 2024 và 22,6% doanh nghiệp dự báo đơn hàng tăng so với năm 2024. Về nhu cầu tuyển dụng lao động, chỉ có 33,6% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên số lao động hiện tại, trong khi đó có tới 62,6% doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm lao động. Đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn các cấp tập trung đẩy mạnh đối thoại, đàm phán, thương lượng tăng mức tiền lương cho công nhân trong ngành Dệt may.