Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”[i]. Đây là một chủ trương lớn, cực kỳ quan trọng, là tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có những cán bộ, công chức, viên chức tỏ ra chán nản, thái độ làm việc cầm chừng, sa sút tinh thần cần phải chấn chỉnh, xử lý, không để ảnh hưởng tiêu cực đến công việc chung.
Chủ trương đúng đắn, tầm nhìn thời đại
Ngay từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì họp phiên thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vào ngày 19/11/2024, Tổng Bí thư đã lưu ý, quá trình tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn; xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Thực tế từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đến thời điểm hiện nay, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả do Tổng Bí thư phát động thời gian qua đã có những kết quả rõ rệt.
Theo lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dối với các bộ và cơ quan ngang bộ, hiện nay chỉ còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ, giảm được 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, tổ chức bên trong của các bộ và cơ quan ngang bộ đã được tinh gọn đáng kể, như đã giảm 13/13 tổng cục và tương đương, đạt tỉ lệ 100%; giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm khoảng 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%).
Đối với các địa phương, 63 tỉnh và thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, đạt tỉ lệ 29%, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%)[ii].
Như vậy là, ngay sau khi cả nước cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn các ban Đảng, bộ máy của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, hệ thống chính trị lại gấp rút "vừa chạy vừa xếp hàng" trong công cuộc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các địa phương.
Tóm lại, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh… Tinh gọn không đơn thuần là cắt giảm số lượng, mà còn phải chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng như có đầy đủ phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm.
Đối với việc sáp nhập tỉnh, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) là để tạo ra sự phát triển của đất nước trong kỳ nguyên mới, với mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, đảm bảo sự ổn định lâu dài của đất nước. Mỗi tỉnh sẽ như một vùng của đất nước, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính nhiều như hiện nay. Chủ trương, đường lối, chính sách... của Trung ương sẽ được tổ chức Đảng cấp tỉnh triển khai ngay xuống tổ chức Đảng cấp cơ sở mà không qua khâu trung gian là cấp huyện, từ đó góp phần cho nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Cũng theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào ngày 17/3/2025 tại trụ sở Chính phủ, đồng chí nhấn mạnh “Đây cũng là cơ hội để chúng ta sẵn sàng sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.”[iii]

Ảnh 1: “Còn 1 ngày chúng ta vẫn cứ cống hiến, vẫn làm, mãi tự hào những gì chúng ta đã đóng góp cho quê hương Bình Định”
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu bế mạc Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định vào ngày 21/3/2025
(Nguồn: https://hdnd.binhdinh.gov.vn/vi/new/).
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Cách mạng nào cũng có những hy sinh nhưng trong giai đoạn hiện nay, phải biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Quá trình tinh gọn có thể không tránh khỏi những thiếu sót nhưng có sai thì sẽ sửa. Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, được ban hành rất kịp thời đã chứng minh cho sự lắng nghe của Đảng với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Mặc dù vậy, các tổ chức phản động, các đối tượng cơ hội chính trị, các phần tử xấu thông qua mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok đã cố tình đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, đánh tráo bản chất của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy để cuối cùng là chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây chia rẽ trong xã hội để từ đó kêu gọi thay đổi chế độ tại Việt Nam. Đáng buồn là có những cán bộ, công chức, viên chức, lao động lại nghe theo, chỉ nhìn vào thách thức của công cuộc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy mà không nhận ra cơ hội, chỉ thấy khó khăn do thách thức mang lại mà không nhìn nhận cơ hội tốt đẹp sẽ mở ra sau thách thức là gì? Các thế lực thù địch cũng lợi dụng điểm này để xoáy sâu vào thách thức, trầm trọng hóa thách thức, từ đó chê bai, hạ thấp cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng ta, cho rằng điều đó chỉ tạo ra hỗn loạn và cải cách rốt cuộc sẽ không mang lại kết quả gì tốt đẹp.
Nếu không thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì sẽ không thể tạo ra nguồn lực đủ mạnh để phát triển kinh tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Kinh tế phát triển sẽ tạo ra việc làm, đây cũng chính là một trong những giải pháp mà Chính phủ đang hướng tới để giải quyết lao động dôi dư do quá trình tinh gọn bộ máy tạo ra.
Mặt khác, tinh gọn bộ máy cũng là cơ hội để cán bộ công chức nâng cao thu nhập, đủ sống. Trước thì có một bộ phận có thu nhập không đủ sống nên xảy ra tình trạng tham nhũng vặt, nhưng nay với việc tinh gọn bộ máy sẽ kèm theo việc tăng thu nhập do giảm đáng kể lao động, người cán bộ có tự trọng công việc, không đánh đổi phẩm giá của mình, từ đó dẹp được tham nhũng, lợi ích nhóm, đồng thời giải được bài toán năng suất lao động của Việt Nam lâu nay vẫn bị xem là thuộc nhóm thấp trong ASEAN.
Thực tế là nhiều năm qua chúng ta đã bàn về việc tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức nhưng chưa bao giờ việc tinh gọn được tiến hành nhanh chóng, ấn tượng như hiện tại. Thế giới đang chạy, chúng ta không thể đi, cách mạng công nghiệp 4.0 đã bước sang 1 giai đoạn mới với trí thông minh nhân tạo AI và được dự báo sẽ là 5.0 vào khoảng những năm 2030 - 2035, do đó muốn phát triển thì không thể không tinh gọn bộ máy, thực hiện quyết liệt công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số… làm tiền đề cho việc phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh như hiện nay.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trong giai đoạn này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động càng phải vững niềm tin vào cuộc cách mạng tinh gọn, có bản lĩnh vững vàng, không lay chuyển, có thái độ làm việc nghiêm túc, tích cực, không sa sút tinh thần, không hoang mang trước những luồng thông tin sai sự thật, những chiêu bài bôi nhọ, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy lần này sẽ có những thách thức, khó khăn và đi kèm với đó là những cơ hội mới; chắc chắn một điều là cơ hội sẽ lớn hơn thách thức, đó là cơ hội để đất nước hóa rồng trong thời gian không xa, là mốc son toàn dân tộc hướng tới chào mừng 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Ảnh 2: Phòng GĐ-ĐT Quy Nhơn kiểm tra chuyên môn tại Trường Tiểu học Nhơn Lý
theo kế hoạchđã xây dựng từ đầu năm học 2024 - 2025.
Ba giải pháp để chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc cầm chừng, buông xuôi
Giải pháp về tư tưởng chính trị
Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cán bộ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tinh gọn tổ chức bộ máy là việc làm tất yếu, tránh tâm lý hoang mang, tiêu cực.
Trong các cuộc họp, hội nghị, lãnh đạo phải nắm bắt kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên để phân tích để cán bộ công chức thấy rõ quá trình tinh gọn, Đảng và Nhà nước đều công khai, minh bạch chủ trương, chính sách dành cho cán bộ thuộc diện tinh gọn cũng như chính sách cho cán bộ ở lại gồm chính sách cho cán bộ có thành tích nổi trội, chính sách cho cán bộ đi cơ sở (cấp xã) gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp tình hình mới.
Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu trong từng cơ quan, đơn vị có thái độ nghiêm túc với công việc, tích cực đổi mới tư duy, sáng tạo, trách nhiệm để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức dưới quyền yên tâm công tác.
Giải pháp về chính sách, đãi ngộ
Tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình một cách khách quan, làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức, bộ máy trong giai đoạn tiếp theo là sáp nhập các đơn vị hành chính. Nghiên cứu làm rõ những tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức, chuyển từ đánh giá định tính sang đánh giá định lượng để rõ công việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ thời gian…. Từ đó làm cơ sở cho việc bố trí, sắp xếp.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho cán bộ công chức, không phải chỉ những người trong diện tinh giản, những người có nguyện vọng được nghỉ hưu, thôi việc mà cả những người ở lại. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đãi ngộ, đảm bảo thực hiện nghiêm túc những quyền lợi chính đáng dành cho cán bộ, công chức theo quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị để những người tâm huyết có thể có cống hiến tốt hơn.
Giải pháp về quản lý, kỷ cương, kỷ luật
Cấp ủy, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan, đơn vị mình, xử lý nghiêm tình trạng trì trệ, đối phó, làm việc cầm chừng, chia sẻ thông tin sai lệch, phát ngôn thiếu trách nhiệm trong cơ quan cũng như trên mạng xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công việc thực tế, không chỉ dựa trên báo cáo mà còn dựa trên phản hồi của người dân, doanh nghiệp và đối tác đến liên hệ công việc tại cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong quản lý công vụ như các phần mềm điều hành, tác nghiệp trực tuyến để kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc một cách minh bạch song song với việc khuyến khích đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy tinh thần chủ động trong công việc, nâng cao năng lực cho cán bộ đáp ứng với sự thay đổi trong các mô hình làm việc mới, đặc biệt là chuyển đổi số, ứng dụng AI.
Chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy là cuộc cách mạng về nhân lực, về sắp xếp lại đơn vị hành chính với mục tiêu cải cách toàn diện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cuộc cách mạng cũng là để chủ trương, đường lối của Đảng đi nhanh hơn vào cuộc sống, giảm bớt tầng nấc trung gian để mục tiêu dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh tiến gần hơn với dự định... Quá trình sắp xếp có thể có những khó khăn bất cập, gian khổ, hy sinh nhưng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi". Chắc chắn rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ được được triển khai thực hiện một cách thực chất và thành công.