Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ sáu - 11/10/2024 15:46
Xuất phát từ thành phố mang tên Bác, việc triển khai xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với mục tiêu phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh thông qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giờ đã được nhân rộng, lan tỏa khắp cả nước; Bình Định - một trong số ít địa phương của cả nước gắn bó với thân thế, sự nghiệp của Bác từ lúc thiếu thời cần thiết là nơi tiếp theo thực hiện xây dựng không gian này.
 
TG111020241
                                     Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa là môi trường văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, gắn liền với một không gian, thời gian, vùng lãnh thổ hay một cộng đồng người cụ thể nào đó. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một khu vực địa lý, dân cư cụ thể mà ở đó chứa đựng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Xuất phát từ Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
Hiện nay, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã không còn là một cách làm riêng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mà đã lan tỏa, được nhiều địa phương, ngành học tập, làm theo; trong đó tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đã phát động trong Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024 việc nhân rộng mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động cả nước.
Cũng từ thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã được thực hiện như tổ chức triển lãm, trưng bày sách báo, văn hóa phẩm, tư liệu về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Bác. Triển khai quy hoạch các khu vực, công viên, thiết chế văn hóa làm cơ sở cho việc kiến tạo “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Tổ chức nghiên cứu, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các buổi tọa đàm, hội thảo nhằm nghiên cứu cách thức xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tế kết hợp với nét đặc trưng của cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, tận dụng công nghệ để tuyên truyền, đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành đề tài gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Dấu ấn Nguyễn Tất Thành tại Bình Định
Bình Định là nơi duy nhất có Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành độc đáo. Đảng bộ, quân và dân Bình Định luôn tự hào là một trong số ít địa phương của cả nước được Bác Hồ ghé thăm thuở thiếu thời, là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ cha con lịch sử giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Chàng thanh niên ấy cùng với việc học hỏi từ cha - một tri huyện nổi tiếng thanh liêm chính trực, sống rất giản dị, gần gũi với nhân dân, giàu lòng yêu nước và thương dân nghèo; đồng thời cũng chứng kiến tất cả sự nhiễu nhương, thối nát của chế độ phong kiến thực dân nửa phong kiến đã dần hình thành nên trong tâm trí một khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đến ngày hôm nay, sự kiện gặp gỡ giữa hai cha con Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành với câu nói nổi tiếng của cụ phó bảng đã đi vào lịch sử “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Câu nói ấy của cha càng hun đúc thêm cho quyết tâm giải cứu dân tộc trong lòng người con Nguyễn Tất Thành, thôi thúc Người phải mạnh mẽ, nhanh chóng ra đi tìm đường cứu nước và không còn được gặp lại người cha kính yêu của mình.
Có thể nói, dù thời gian sống và học tập của Nguyễn Tất Thành ở Bình Định chỉ khoảng một năm nhưng mảnh đất, con người Bình Định, tinh thần anh dũng quật cường của Quang Trung - Nguyễn Huệ và đoàn quân bách chiến bách thắng của ông đã có những tác động đến tư tưởng, ý chí và càng thôi thúc, động viên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp tục nuôi chí lớn - ra đi tìm đường cứu nước.
Ngoài tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành, tỉnh Bình Định còn một công trình được xây dựng vào năm 2014 gắn liền với dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là di tích Huyện đường Bình Khê – nơi cha Bác từng làm việc. Ngày nay, Huyện đường Bình Khê, nơi cụ phó bảng làm tri huyện năm xưa đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho mọi tầng lớp người dân Bình Định. Khu di tích huyện đường Bình Khê giờ đã thành Khu tưởng niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc với các hạng mục Đền thờ, Nhà lưu niệm, Nhà bia di tích…, và trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử của tỉnh. Hai công trình này chính là những nền tảng để chúng ta đầu tư, phát triển thành những “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đậm chất Bình Định.

 
TG111020242
Nữ đoàn viên Công đoàn cơ sở xã Tây Giang - Tây Sơn trước Đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại huyện Tây Sơn, Bình Định
 
Cần thiết xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bình Định
So sánh với những vùng đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc như Nghệ An, Huế, Bình Định, Phan Thiết, Thành phố Hồ Chí Minh thì Bình Định có thể nói là nơi định hình cho việc đi ra nước ngoài để mở mang, để xem các nước khác người ta làm gì của Bác, để từ đó tìm đường cứu nước. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi phát cho việc hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” và đã trở thành một phong trào mạnh mẽ, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, xây dựng, lan tỏa đến cả nước, trở thành một mô hình hay trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Vận dụng những nguồn sử liệu, thông tin đã có về thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định để xây dựng một “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có nét đặc sắc riêng, không trộn lẫn với những địa phương khác gắn liền với lịch sử vùng đất, con người Bình Định là một việc làm rất cần thiết và là một lợi thế không gì sánh được. Chúng ta có quyền tự hào về một vùng đất có bề dày truyền thống “Đất Võ, Trời Văn”; về người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ; về nơi ghi lại cuộc gặp gỡ giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với câu nói đã thành lịch sử “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?” và những chứng tích lịch sử vẫn còn tồn tại trong thời gian Người ở Bình Định sẽ là những nền tảng vật chất, tinh thần vững vàng để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên công đoàn, người lao động Bình Định nói riêng và toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta nói chung tiến lên một tầm cao mới.

Tác giả bài viết: Trần Minh Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây