Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Quy chế dân chủ trong trường học gồm những nội dung gì?

Thứ tư - 28/08/2024 07:16
Kỳ trước, trong bài “Một số vấn đề về triển khai Luật thực hiện dân chủ cơ sở trong trường học”, tác giả đã phân tích về văn bản cần thiết để triển khai dân chủ trong trường học, tên gọi của ban chỉ đạo và cơ sở pháp lý cho việc thực hiện dân chủ trong trường học, kỳ này sẽ làm rõ hơn về các nội dung cơ bản trong các văn bản về quy chế dân chủ trong trường học gồm những gì.
 
CSPL300820241
Quang cảnh hội nghị viên chức, người lao động Trường TH&THCS Nhơn Hải –
TP Quy Nhơn năm học 2022 – 2023

Quy chế dân chủ của trường
Khoản 8 Điều 53 của Luật nêu “8. Dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị.”; Như vậy, tên đúng quy chế dân chủ của trường sẽ là “Quy chế thực hiện dân chủ của [Tên đơn vị]” (viết tắt là QCTHDC); ví dụ như “Quy chế thực hiện dân chủ của Trường THCS A”. Một bản QCTHDC đầy đủ thì phải có quyết định ban hành và nội dung quy chế kèm theo.
Đối với quyết định ban hành, cơ sở pháp lý cho bản quy chế bao gồm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (gọi tắt là Luật), Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Thông tư số 09/2024/TT-BGD&ĐT ngày 03/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Hướng dẫn số 11/HĐ-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Thông tư quy định về Điều lệ trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tùy theo loại hình trường để bổ sung Thông tư phù hợp). Chủ thể ban hành quyết định này, theo điểm a khoản 1 Điều 59 của Luật thì người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị; như vậy hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng trường sẽ là người ký quyết định ban hành quy chế dân chủ của trường.
Đối với nội dung QCTHDC, thường được thiết kế thành 4 chương gồm: chương 1, quy định chung; chương 2, dân chủ trong nội bộ nhà trường, trong chương này lại được chia thành các mục như: (i) Công khai thông tin trong nhà trường; (ii) Những việc cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động bàn và quyết định; (iii) Những việc nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học tham gia ý kiến (cần lưu ý rằng, “người học” ở đây là học sinh, sinh viên hoặc có thể là học viên) và (iv) Những việc nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động kiểm tra, giám sát; chương 3, “dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan” và chương 4 là “tổ chức thực hiện” hoặc “điều khoản thi hành”.
Nội dung chi tiết trong từng chương, mục của QCTHDC cần bám sát theo nội dung Chương 3 của Luật từ Điều 46 đến Điều 63 gồm 4 mục là: công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát. Đồng thời, về nội dung công khai cần thực hiện theo Thông tư 09/2024/TT-BGD&ĐT; ngoài ra, quá trình xây dựng QCTHDC, công đoàn nhà trường cần đề xuất bổ sung vào QCTHDC một số nội dung từ khoản 1,2,3,4,5 mục I Phần I của Hướng dẫn 11/HD-TLĐ gồm:
(1) Công khai các chính sách hỗ trợ phúc lợi của cơ quan, đơn vị đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây viết tắt là CBCC) đang làm việc tại cơ quan, đơn vị.
(2) CBCC được bàn, quyết định tham gia: câu lạc bộ, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác theo quy định của pháp luật.
(3) CBCC được sử dụng mạng xã hội để tham gia ý kiến trong trường hợp cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến CBCC thông qua mạng xã hội nhưng không trái với quy định của pháp luật.
(4) CBCC được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật khi thực hiện việc kiểm tra, giám sát các nội dung quy định tại Điều 56 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(5) Tổ chức hội nghị CBCC: Hội nghị CBCC được tổ chức từ cấp phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Khuyến khích cơ quan, đơn vị có từ 07 CBCC trở xuống tổ chức hội nghị CBCC.
Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ của trường (Ban chỉ đạo)
Ban chỉ đạo là bộ phận chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dân chủ trong nhà trường, xây dựng nội dung QCTHDC, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và do người đứng đầu ra quyết định thành lập, thành phần ban chỉ đạo thường bao gồm đại diện lãnh đạo nhà trường, đại diện các đoàn thể và một số thầy cô giáo trong nhà trường. Thông thường, đi kèm với quyết định thành lập thì sau đó ban chỉ đạo cũng ban hành văn bản phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban. Tương tự như QCTHDC, ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ ban chỉ đạo cũng có tính ổn định lâu dài, nếu như không có sự thay đổi lớn về nội dung (đối với QCTHDC) hoặc thay đổi thành viên (do thay đổi vị trí công tác, nghỉ hưu hoặc được phân công nhiệm vụ khác) thì các văn bản này có thể sử dụng trong nhiều năm. Điều này cũng dẫn đến việc trong quá trình thiết kế, xây dựng QCTHDC và các quyết định, phân công nhiệm vụ cần lưu ý từ ngữ, tránh việc “đóng đinh” trong một năm học sẽ gây mất thời gian trong việc xây dựng mới văn bản vào mỗi đầu năm học mới.

 
CSPL300820242
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH&THCS Nhơn Hải – thành phố Quy Nhơn

Kế hoạch thực hiện dân chủ năm học (Kế hoạch)     
Kế hoạch thực hiện dân chủ năm học được xây dựng theo từng năm học nhằm bám sát nhiệm vụ năm học và là cơ sở đánh giá, tổng kết khi kết thúc năm học.
Nội dung của Kế hoạch thường có (i) Mục đích, yêu cầu; (ii) Nội dung triển khai, thực hiện dân chủ; (iii) Kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ và (iv) Tổ chức thực hiện. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là mục (ii). Ở mục (ii), nội dung cụ thể trong phần này đề cập khái quát những vấn đề về QCTHDC như trách nhiệm của hội đồng trường, ban giám hiệu trong việc thành lập ban chỉ đạo, xây dựng QCTHDC, xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện quy chế dân chủ và các quy chế khác trong nhà trường nhằm đảm bảo thực hiện dân chủ có hiệu quả; việc thực hiện công khai trong nhà trường, đối thoại trong nhà trường giữa cán bộ, giáo viên, người lao động và người học.
Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Luật, do đó trong phần tổ chức thực hiện của Kế hoạch (mục (iii)) sẽ có nội dung quan trọng là giao nhiệm vụ xây dựng QCTHDC mà ở những năm học sau có thể sẽ không có (nếu không có thay đổi lớn về nội dung).
Trong thực tế, mỗi trường có thể có cách làm riêng, có thể xây dựng nhiều hơn hoặc ít hơn các văn bản nêu trên, hoặc cũng có thể lồng ghép vào một văn bản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thực hiện nghiêm túc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền dân chủ của cán bộ, nhà giáo, người lao động và người học trong nhà trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, vì mục tiêu “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta lúc sinh thời hằng mong muốn.

Tác giả bài viết: Minh Nguyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây