Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Thành lập “Công hội đỏ”-Tổ chức tiền thân của Công đoàn Bình Định

Thứ tư - 19/06/2024 08:18

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để xúc tiến việc thành lập tổ chức công đoàn ở nước ta, Hồ Chí Minh đã nêu cách thức tổ chức và hình thức hoạt động của công đoàn. Người viết: “Nước ta bị Pháp đè nén, nó cấm không cho tổ chức hội hè, cho nên muốn tổ chức hội gì cũng phải dùng cách bí mật mới được, công nhân nước ta có ba thứ: một là thủ công, hai là công xưởng, ba là bán công, mỗi thứ công nhân một khác nên tổ chức theo chức nghiệp và sản nghiệp. Chức nghiệp tổ chức là: nghề nghiệp nào tổ chức theo theo nghề nghiệp ấy... sản nghiệp tổ chức là không theo nghề nghiệp mà theo những người làm ở chỗ nào thì tổ chức chỗ ấy” . Công đoàn tổ chức, tập hợp công nhân theo ngành, nghề và theo địa phương. Trong cuốn “Đường kách mệnh”, Hồ Chí Minh đã nêu nhiều vấn đề có tính lí luận về công đoàn. Trước hết, Người nêu mục đích tổ chức công hội: “một là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Những  quan điểm cơ bản trong tư duy Hồ Chí Minh về Công đoàn cách ngày nay hơn 100 năm vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thực tiễn cho việc xây dựng tổ chức và hoạt động Công đoàn.
 

TG190620241

Nhà máy đèn Quy Nhơn sau ngày giải phóng 31/3/1975


Trong phạm vi bài viết này, với tư cách là cán bộ công đoàn nghiên cứu ở địa phương góp phần làm sáng tỏ thêm nhân 95 năm kỷ niệm ngày thành lập của Công đoàn Việt Nam (28.7.1929-28.7.2024).

Bình Định, là một địa phương rất giàu về tiềm năng lịch sử, văn hóa, điển hình 2 lần là cố đô của Vương quốc Chămpa (Thế kỷ X-XV) và Vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc (cuối thế kỷ XVIII). Một tỉnh nông nghiệp lâu đời, bên cạnh nghề làm ruộng là chủ yếu còn có các ngành nghề thủ công truyền thống tập trung các làng thuộc Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn), Đập Đá (thị xã An Nhơn), Quy Nhơn khá nổi tiếng… Dưới thời thực dân nửa phong kiến đời sống của người thợ thủ công bị nạn sưu cao, thuế nặng, phu phen tạp dịch, bị chèn ép, bóc lột nặng nề, vì thế nhiều ngành nghề thủ công bị tàn lụi dần, một số bị phá sản, thợ phải vào nhà máy, đồn điền bán sức lao động cho chủ tư bản Pháp. Một bộ phận vẫn duy trì sản xuất nhưng đời sống rất cực khổ. Trước thảm cảnh đó, những người thợ thủ công luôn luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong từng nhóm thợ, từng ngành nghề. Hình thức phổ biến nhất thời kỳ này là Hội tương tế, Hội ái hữu được hình thành khắp các làng có nghề thủ công, hoạt động dưới hình thức Hội trợ táng, Hội lợp nhà, Hội cưới xin… nhằm mục đích giúp đỡ gia đình thợ thủ công có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau nâng cao tay nghề, việc làm và đời sống, lúc ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn…
Trong bối cảnh những năm 1927-1928, phong trào công nhân cả nước có bước phát triển, nhiều cuộc đình công, bãi công nổ ra, có sức lan  tỏa trong cả nước. Ở Bình Định, một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Phong trào Tây Sơn gắn liền với tên tuổi Anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ;  Thông qua các thủy thủ của Hãng vận tải đường thủy, các loại sách báo tiến bộ xuất bản ở Pháp và Trung Quốc được lưu hành tại Quy Nhơn, trong đó có báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được công nhân, công chức, trí thức và học sinh đón đọc, thức tỉnh, giác ngộ. Ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào tỉnh ta còn thông qua các hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội mà trực tiếp là đồng chí Phan Trọng Quảng (Bí danh là Phụ) được dự lớp tập huấn do Nguyễn Ái Quốc truyền thụ tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1928. Sau đó được đồng chí Nguyễn Ái Quốc cử về Trung kỳ xây dựng phong trào. Đồng chí Phan Trọng Quảng đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cho thanh niên huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) các bài được nghe tập huấn tại Quảng Châu trong đó có tác phẩm nổi tiếng “Đường kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đây là nguồn gió mới, nguồn ánh sáng trí tuệ làm cho công nhân lao động thức tỉnh về nỗi nhục mất nước, lầm than, cơ cực, sự bóc lột của thực dân, phong kiến, ý thức dân tộc, ý thức giai cấp, làm cơ sở cho việc xuất hiện tổ chức “Công hội đỏ” - tiền thân của Công đoàn cách mạng tỉnh nhà.
Sau một thời gian hoạt động tích cực, tuyên truyền giác ngộ và kết nạp đảng viên, tháng 3-1930 Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh ta ra đời. Đó là Chi bộ ở Nhà đèn Quy Nhơn, gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Xuân Trữ, công nhân kỹ thuật điện làm Bí thư. Tháng 8/1930 đồng chí Nguyễn Trân chuyển số hội viên thanh niên cách mạng đồng chí hội Hoài Nhơn thành lập Chi bộ ở Cửu Lợi.

 
TG190620242
Nhà ga Quy Nhơn (ảnh chụp 1932) - nơi có phong trào công nhân phát triển sớm

Sau khi thành lập, các chi bộ khẩn trương tuyên truyền, tập hợp phát triển các cơ sở quần chúng và coi công tác “Vận động giác ngộ công nhân là nhiệm vụ cần kíp, hàng đầu của Đảng”. Chi bộ còn cử nhiều đảng viên tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và Điều lệ Công hội đỏ, chỉ rõ những thủ đoạn áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, hướng dẫn công nhân lao động đấu tranh chống lại chủ xí nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ một khi bị chính quyền thực dân và bọn chủ tư bản xâm phạm.
Sau khi chi bộ Đảng Nhà đèn Quy Nhơn thành lập; khoảng đầu tháng 4/1930, tổ chức Công hội đỏ ra đời, do đồng chí Nguyễn Bá Hòe (1 trong 5 đảng viên đầu tiên thuộc Chi bộ Đảng Nhà đèn Quy Nhơn) đứng đầu (theo đúng tên gọi tài liệu mật thám Pháp), gia nhập Công hội gồm các đảng viên và quần chúng cảm tình với cách mạng. Đến cuối năm 1930, số hội viên Công hội đỏ lên đến 20 người chủ yếu ở Nhà đèn, hãng vận tải Staca, sau đó phát triển ra một vài công tư sở ở Quy Nhơn. Thời gian đầu phạm vi hoạt động của tổ chức Công hội chưa được rộng rãi, tiêu chuẩn vào Công hội gần như tương đồng với tiêu chuẩn vào Đảng, vì Công hội ra đời và hoạt động trong điều kiện bí mật, một tổ chức quần chúng tin cậy của tổ chúc Đảng, thực dân Pháp và tay sai luôn tìm cách phá hoại hòng dập tắt các tổ chức cách mạng của Đảng.
Tổ chức Công hội ra đời tại Nhà đèn Quy Nhơn có ý nghĩa quan trọng và đánh dấu một bước ngoặc đối với quá trình phát triển phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh Bình Định. Từ 20 hội viên năm 1930, tăng lên 16.247 hội viên công nhân cứu quốc năm 1946, 25.000 đoàn viên năm 1954, 29.000 đoàn viên (1976), tính đến  tháng 6 năm 2024 toàn tỉnh có hơn 81.000  đoàn viên, tăng gần gấp 3 lần so với năm 1976.
Ngày 16.01.1946, Hội công nhân cứu quốc tỉnh Bình Định được thành lập (đổi thành Liên hiệp Công đoàn ngày 10.5.1946), do ông Dương Văn Chính làm Bí thư. Trải qua 94 năm (4.1930- 4.2024), với 6 lần đổi tên, 14  kỳ đại hội, Liên đoàn Lao đông tỉnh Bình Định không ngừng phát triển lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt vai trò, chức năng giáo dục, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà. Sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn gắn liền với công lao của Đảng, đã viết lên những truyền thống qúy báu đáng tự hào, đó là bản chất cách mạng kiên cường, luôn trung thành với Đảng, giai cấp và liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức; sự đoàn kết hữu ái trên tình giai cấp; lao động cần cù và sáng tạo, luôn vượt mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện khát vọng, mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tác giả bài viết: Th.S. Nguyễn Ngọc Anh-Nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây