Phong trào thi đua trong lao động nữ. Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", “Gia đình CNVCLĐ thành đạt” và các phong trào thi đua khác trong nữ CNVCLĐ đã được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, có trên 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; trong nhiệm kỳ có 796 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình CNVCLĐ thành đạt” các cấp, trong đó có 27 gia đình đạt danh hiệu cấp tỉnh. Đã có hàng trăm công trình, sản phẩm, đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được thực hiện do nữ CNVCLĐ đảm nhận và ứng dụng vào sản xuất, có giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng. Từ các phong trào thi đua, trong nhiệm kỳ qua đã có hơn 13.076 lượt lao động nữ được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.
Những kết quả đạt được đã góp phần giải quyết thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ nhưng cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế: công nhân Bình Định vẫn đang trong tình trạng công nhân – nông dân, bị ảnh hưởng bởi hoạt động mùa vụ nhà nông, nhất là nữ giới; hoạt động nữ công ở một số CĐCS, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiệu quả chưa cao; điều kiện lao động, điều kiện sống, chính sách tiền lương, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo và đời sống tinh thần của lao động nữ còn nhiều bức xúc; chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện để công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền đặc thù giới cho lao động nữ; đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công ở cơ sở kiêm nhiệm, không ổn định; vấn đề nợ đọng BHXH, giải quyết chế độ chính sách đối với lao động nữ ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất mà lao động nữ là đối tượng bị tác động nhiều nhất.
Trao tiền hỗ trợ xây nhà "Mái ấm Công đoàn" cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn
Trong thời gian tới công tác vận động nữ CNVCLĐ sẽ có nhiều thuận lợi do được sự quan tâm của Đảng, sự hoàn thiện về hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng với đó là sự chỉ đạo kịp thời của Tổng Liên đoàn nhưng cũng có nhiều thách thức đối với công tác nữ công như: lực lượng lao động nữ trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay chủ yếu lao động phổ thông, trình độ chuyên môn tay nghề còn thấp, ít có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận kỹ thuật mới, dẫn đến nguy cơ mất việc làm, tác động đến con cái, gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp; công tác tham mưu của một số ban nữ công quần chúng cho ban chấp hành, cho lãnh đạo đơn vị còn yếu, chưa tranh thủ được nguồn lực để hoạt động; tính chủ động trong việc nâng cao hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ mình của chị em còn chưa cao. Để nâng cao chất lượng hoạt động công tác vận động nữ công trong tình hình mới, ngoài những nhiệm vụ và giải pháp như trong báo cáo chính trị Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã trình bày, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp đối với công tác nữ công. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công công đoàn các cấp nhất là ban nữ công quần chúng ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
2. Ban nữ công công đoàn các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất nội dung công tác nữ công trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn nhiệm kỳ 2023 -2028; kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác nữ công đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; hoạt động nữ công cụ thể, thiết thực ngay từ đầu năm, tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí từ chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú phù hợp để thu hút đông đảo lao động nữ tham gia.
3. Đổi mới nội dung sinh hoạt và đa dạng hoá phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc thù của nữ CNVCLĐ ở từng lĩnh vực kết hợp với chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, chú trọng triển khai phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới”.
4. Phải gần gũi và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em; kịp thời phản ánh những trường hợp khó khăn, đột xuất với cấp ủy, chính quyền và công đoàn để được hỗ trợ giúp đỡ, tạo động lực cho chị em phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy năng lực và sở trường của nữ CNVCLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn trong công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và con CNVCLĐ có hiệu quả nhất định; quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của các chị em như: vấn đề tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm, chế độ làm thêm giờ, đào tạo, đề bạt, khen thưởng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc,… Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, phát hiện, kiến nghị để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.