Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Tư tưởng cầu an, ngại việc-Biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống

Thứ ba - 14/11/2023 10:41
Hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ cầu an, ngại việc, sợ trách nhiệm, muốn an phận, việc của mình nhưng lại ngại ra quyết định vì sợ sai, đấy là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống mà chúng ta cần phải nhận diện rõ để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi
Kể từ sau khi tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” gồm các bài viết, bài phát biểu, chỉ đạo, tổng kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam trong 10 năm qua ra đời, việc nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm ngày càng giúp chúng ta có thêm những hiểu biết, nhận thức về công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nói riêng. Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu cũng làm chúng ta nhận diện được những hình thức biểu hiện mới của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống mà lâu nay cứ ngỡ như đấy là tính cách của một người, là thói quen khó bỏ mà với sự nhường nhịn của người dân Việt Nam thì thường hay tặc lưỡi, bỏ qua; đó chính là tư tưởng cầu an, ngại việc của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.

 
TG14112023
Quang cảnh buổi sinh hoạt của chi bộ Đảng
 
Để giải thích cho hành động và việc làm của mình, những người cầu an, ngại việc thường cho rằng đấy là để giữ gìn sự hài hòa, không ganh đua, không “sân – si”, một điều nhịn, chín điều lành, thêm việc không bằng bớt việc, cân nhắc mọi việc kỹ càng chứ không phải là vội vàng hấp tấp ra quyết định. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, thế giới thay đổi từng ngày đòi hỏi việc quyết định và thời gian ra quyết định ngày càng rút ngắn, cán bộ công chức phải có trách nhiệm hơn trong lĩnh vực mình phụ trách, nhất là những đồng chí có cương vị lãnh đạo. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức tỏ thái độ thờ ơ, lãnh đạm, không ý thức được tính cấp thiết của những vấn đề đặt ra về suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Ở những đối tượng này, tư tưởng cầu an, ngại việc đã chiếm lấy phần nhiệt tình, lấn át tính chiến đấu của người cộng sản, chính thái độ đó đã kìm hãm sự phát triển của cơ quan, đơn vị, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, trở thành vật cản trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những vụ việc tham nhũng bị đưa ra xét xử trong thời gian qua như Việt Á, AIC, Bệnh viện Bạch Mai,… đã trở thành cái cớ cho một số cán bộ cầu an, ngại việc vin vào đó để bào chữa cho việc thụ động trong công việc, không chịu ra quyết định, đùn đẩy, né tránh công việc, thu mình mà không nhận thấy rằng chính bản thân mình thiếu trách nhiệm đối với công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ dù to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy.v.v… là không có tinh thần trách nhiệm”[1]. Điều đó cho thấy từng cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để làm tròn nhiệm vụ, công việc được giao, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai, thất hứa thì phải chịu trách nhiệm. Nghiên cứu kỹ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2018 thì tư tưởng cầu an, ngại việc chính là biểu hiện của sự “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân[2] đồng thời cũng là biểu hiện của sự “sa sút ý chí phấn đấu, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”[3].
Cầu an, ngại việc nên mới thờ ơ trước yêu cầu công việc, trước những việc mà lẽ ra thuộc phạm vi nhiệm vụ của mình phải giải quyết với suy nghĩ làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai; có những cán bộ làm lãnh đạo nhưng cả thời gian dài không có công việc gì đáng kể mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước chỉ vì tư tưởng cầu an như thế; ngại việc nên đồng nghiệp có đề xuất, gợi ý cũng tìm cách bàn ra, nêu khó khăn, hay nói rất chung chung là “thôi để từ từ xem tình hình thế nào”. Cầu an, ngại việc còn là sự sa sút ý chí phấn đấu, làm sợ sai, sợ kiểm điểm, sợ phê bình nên thường đùn đẩy công việc cho người khác, né tránh trách nhiệm, trong phê bình thì chỉ phê phán những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của người khác, đến phần mình thì đổ lỗi cho tập thể, đó là do yếu tố khách quan mà không nhận ra thiếu sót của bản thân hoặc biết nhưng không đủ dũng cảm thừa nhận khuyết điểm. Những đồng chí có suy nghĩ, có tư tưởng và cách làm việc theo kiểu cầu an, ngại việc chính là những người không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thiết nghĩ, để chấn chỉnh cung cách làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, đấu tranh, đẩy lùi tư tưởng cầu an, ngại việc, từ đó ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của những đối tượng này, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chú trọng xây dựng các cơ chế, quy chế, quy định nhằm “buộc” chặt cán bộ, công chức phải có trách nhiệm với công việc, những nội dung, lĩnh vực nào thuộc công việc của mình thì phải ra quyết định, không tạo ra kẽ hở, khe hẹp để cán bộ công chức lách qua mà chuyển việc đáng ra mình phải xử lý cho người khác, bộ phận khác, lĩnh vực khác.
Hai là, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để hạn chế thấp nhất việc bỏ sót công việc, chậm trễ công việc đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ kiến thức, đủ kinh nghiệm để cán bộ công chức vững về chuyên môn, có bản lĩnh về chính trị, quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân đối với nhiệm vụ được giao.
Ba là, sớm cụ thể hóa các nội dung bảo vệ cán bộ thực hiện đúng, sáng tạo trong công việc để nâng cao tính tích cực, có hành lang pháp lý cho cán bộ công chức yên tâm trong công việc, dũng cảm trong quá trình ra quyết định, hạn chế việc cán bộ lúng túng khi đối mặt với những vấn đề mới, vấn đề khó thì không dám quyết vì sợ sai, bị kỷ luật.
Tư tưởng cầu an, ngại việc chính là những biểu hiện cụ thể của việc suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống mà chúng ta cần loại bỏ để làm trong sạch bộ máy nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước. Tư tưởng cầu an, ngại việc đối lập hoàn toàn với tính năng động sáng tạo mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức phải thực hiện: “Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ” [4]. Như thế, việc đẩy lùi, tiến tới loại bỏ tư tưởng cầu an, ngại việc trong một bộ phận cán bộ công chức không chỉ là làm trong sạch bộ máy cán bộ, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống mà còn là một cách vô cùng thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.345.
[2] Biểu hiện số 5 của sự suy thoái về tư tưởng Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” trong 27 biểu hiện được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII.
[3] Biểu hiện số 4 của suy thoái về đạo đức, lối sống: Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao” trong 27 biểu hiện được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.346.

Tác giả bài viết: Lê Từ Bình-Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây