Trong không khí ấm cúng, trang trọng của buổi gặp mặt các anh, chị cán bộ công đoàn là con của các liệt sỹ, vừa được Cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức ngày 27/7, chúng tôi có dịp được nghe lại những câu chuyện cảm động về những người con của liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc.
Sinh ra năm 1969, trong một gia đình truyền thống cách mạng, gia đình chị có 7 liệt sỹ, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, chị Nguyễn Thị Phương Loan đã sớm mất đi người cha khi chị mới tròn 2 tuổi, ở cái tuổi ấu thơ, còn quá nhỏ để có thể đọng lại trong trí nhớ của mình về người cha thân yêu. Không một tấm hình để lại, cho đến hôm nay trong tâm trí của chị vẫn chỉ là sự mường tượng về hình ảnh của người cha, một liệt sỹ cách mạng bình dị, kiên cường, dũng cảm, khiêm nhường mà tài giỏi, không sợ hy sinh gian khổ trong cuộc chiến tranh vì độc lập dân tộc. Năm 1973, một lần nữa, chị phải gánh thêm nỗi đau chồng chất khi sự tàn khốc của chiến tranh lại cướp đi người mẹ thân yêu, mẹ chị - một chiến sỹ cách mạng hy sinh khi chị chỉ mới 4 tuổi “lúc này tôi còn quá nhỏ để lưu giữ những ký ức về cha, mẹ mình, cũng may sao trong số giấy tờ còn lại có cái chứng minh thư còn tấm hình của mẹ, đây là kỷ vật duy nhất về hình ảnh mẹ tôi được chúng tôi trân trọng, nâng niu, lưu giữ cho đến ngày nay”, chị Loan chia sẻ.
Chị Loan kể về những ngày học ở ngôi trường 1/6 Nghĩa Bình
Không khí buổi gặp mặt như chùng xuống, khi thước phim về cuộc sống lam lũ, vất vả của các anh, chị em chị Loan, gắn liền với sự tàn khốc, ác liệt của những năm cuối cuộc chiến tranh, được tiếp diễn qua lời kể của chị “cuộc sống anh chị em tôi dường như bế tắc, hàng ngày phải tự bươn chải, kiếm sống trong sự yêu thương, đùm bọc của hàng xóm, láng giềng và người thân, nhưng cuộc sống thời đó quá khó khăn, chỉ mong sao có miếng ăn mỗi ngày, tối về các anh chị em chúng tôi lại lủi thủi bên nhau, cùng ôm nhau khóc mỗi khi nhớ về cha mẹ”.
Năm 1975, đất nước được độc lập, và đây cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời chị, khi đó người cô của chị đã quyết định gửi 3 anh, em chị đi học tại trường Nội trú 1/6 Nghĩa Bình, đây là ngôi trường dành riêng cho con liệt sĩ mồ côi không nơi nương tựa. Nơi đây, chị được sống trong sự quan tâm, đùm bọc, yêu thương, chia sẻ của các thầy, cô giáo, những người bạn đồng trang lứa, đồng cảnh ngộ. Cứ thế, cuộc sống của chị trôi đi cho đến khi chị ý thức được sự tự hào, hãnh diện vì cha, mẹ mình là những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì Tổ quốc, để bảo vệ Tổ quốc, để rồi chị xác định cho bản thân mình, phải quyết tâm vượt qua những khó khăn của cuộc sống, ra sức học tập để xứng đáng mình là con của gia đình liệt sỹ.
Trải qua quá trình học tập, làm việc ở nhiều công việc, vị trí khác nhau, và rồi cơ duyên lại gắn chị với tổ chức công đoàn. Hiện nay, chị đang là Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh. Là một “nữ thủ lĩnh” trong tổ chức công đoàn Bình Định, thời gian qua, chị luôn thể hiện sự gương mẫu, tiên phong trong tổ chức các hoạt đoàn công đoàn, nhiều năm liền cá nhân chị và Công đoàn Viên chức tỉnh - đơn vị chị phụ trách luôn là điểm sáng trong phong trào CNVCLĐ của tỉnh, được các cấp, các ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. “Cho dù cuộc sống có nhiều thăng trầm, cám dỗ vật chất, nhưng tôi luôn tự hào về bản thân mình, cho đến giờ này vẫn luôn giữ được truyền thống cách mạng của gia đình, và tôi sẽ tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nỗ lực trong công tác để bố, mẹ tôi cho dù ở một nơi xa lắm nhưng vẫn luôn tự hào về tôi”.
Một câu chuyện khác mà chúng tôi được chia sẻ trong buổi gặp mặt, đó là trường hợp anh Nguyễn Tiến Dũng, (Trung Kiên- tên gọi của anh trong thời gian ở căn cứ), cán bộ Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Bình Định. Sinh năm 1964, mẹ anh hy sinh lúc anh tròn 3 tháng tuổi, 3 năm sau, cha anh công tác tại Ban An ninh huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn – Vĩnh Thạnh) cũng anh dũng hy sinh, khi này anh còn quá nhỏ để có được những ký ức tuổi thơ cùng cha mẹ. Được các cô, chú trong Cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định thời kháng chiến, đóng tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh thay nhau nuôi dưỡng, cuộc sống của anh cứ thế lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người. Cũng như bao người khác thời bấy giờ, tuổi thơ của anh gắn liền với nhưng năm tháng ác liệt và cơ cực của chiến tranh chống Mỹ, thiếu thốn vật chất, di tản khi cơ sở cách mạng bị lộ...“sau này được nghe các cô chú kể lại, khi còn ẵm ngửa, mình được cơ sở cách mạng bố trí để di chuyển từ Vĩnh Thạnh về quê ngoại huyện Hoài Nhơn. Về Hoài Nhơn có dấu hiệu bị lộ, lại được cơ sở móc nối đưa về Hoài Ân, rồi Cát Sơn, Phù Cát và sau đó trở lại Vĩnh Thạnh” anh Dũng cho biết.
Anh Dũng chia sẻ với niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình
Năm 1971, khi tròn 7 tuổi, anh được tổ chức bố chí cho đi học tại Trường Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh), đây là trường đào tạo kiến thức cho cán bộ, các Ban của Tỉnh uỷ, sau đó anh được tổ chức bố trí đưa về Khu (Quảng Nam) theo diện con cán bộ cách mạng. Trở về Hoài Nhơn năm 1974, anh bắt đầu tham gia cách mạng, sau đó làm việc và trưởng thành tại Huyện đoàn Hoài Nhơn, đến năm 1982 anh tham gia Hội đồng đội tỉnh Nghĩa Bình, năm 1988 anh chính thức tham gia vào tổ chức công đoàn tại Liên hiệp Công đoàn Nghĩa Bình. “Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng, gia đình có 6 liệt sỹ, 9 thương binh; mẹ vợ cũng là liệt sỹ, mình luôn ý thức được rằng, bản thân phải làm sao để xứng đáng với truyền thống rất đáng tự hào của gia đình. Ngay từ nhỏ, được các cô, chú cơ quan Văn phòng tỉnh uỷ nuôi dưỡng, giáo dục và bồi đắp cho mình lý tưởng cách mạng, mình đã thấy trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, nhất là trách nhiệm của người cán bộ công đoàn với đoàn viên, người lao động, do đó mình luôn nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, tạo niềm tin, sự ủng hộ của đoàn viên, người lao động”.
Quang cảnh buổi gặp mặt
Phát biểu tại buổi gặp măt, đồng chí Hà Duy Trung - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định nhấn mạnh “ Qua buổi gặp mặt tri ân hôm nay, với những câu chuyện cảm động về các đồng chí cán bộ công đoàn là con của liệt sỹ, chúng ta cần phải có những hoạt động, việc làm cụ thể hơn nữa để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, trước những mất mát, hy sinh của các liệt sỹ trong công cuộc bảo vệ tổ quốc”. Đồng chí Chủ tịch cũng mong rằng, các anh, chị cán bộ công đoàn là con liệt sỹ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình; tích cực, đi đầu trong các lĩnh vực công tác, là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, công chức trong cơ quan và thế hệ con, em sau này noi theo.
Tác giả bài viết: Đức Long - Ban TGNC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn