Một số vấn đề về triển khai Luật thực hiện dân chủ cơ sở trong trường học
Thứ năm - 22/08/2024 09:18
Triển khai thực hiện dân chủ trong trường học là một việc làm cần thiết, bắt buộc thường xuyên trong các cơ sở giáo dục. Mỗi đầu năm học, các cơ sở giáo dục đều tổ chức hội nghị cán bộ, giáo viên, người lao động nhằm triển khai công tác này. Tuy là công việc thường xuyên nhưng nhiều lúc vẫn xảy ra lúng túng, bài viết sau đây sẽ phân tích một số vấn đề về dân chủ trong trường học trên cơ sở Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ 01/7/2023.
Những văn bản cần thiết để triển khai dân chủ trong trường học
Về cơ bản, việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thực hiện dân chủ trong trường học bao gồm một số văn bản chính sau đây: quy chế dân chủ trong nhà trường; ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường; Kế hoạch thực hiện dân chủ trong nhà trường. Trong số các văn bản này, quy chế dân chủ trong nhà trường và ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ mang tính ổn định, nếu không có những thay đổi về cơ sở pháp lý và thành viên thì có thể sử dụng ổn định trong thời gian dài; chỉ có kế hoạch thực hiện dân chủ trong nhà trường là phải xây dựng theo từng năm học để bám sát nhiệm vụ chuyên môn năm học và chỉ đạo của cấp trên, là cơ sở đánh giá, tổng kết khi kết thúc năm học.
Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ hay Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ?
Lâu nay, cách đặt tên ban chỉ đạo quy chế dân chủ trong trường học không thống nhất, chủ yếu do hiểu chưa đúng từ ngữ như “Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Trường A”, “Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở Trường A”, “Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ tại Trường A”,… Cho đến khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Luật) ra đời và có hiệu lực thì ngay tại Điều 2 Giải thích từ ngữ của Luật đã nêu “Cơ sở là xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.”; khoản 8 Điều 53 cũng nêu “Dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị.”; đồng thời, nhiều khoản mục khác trong Chương III Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị cũng sử dụng cụm từ “quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị”. Từ đó có thể xác định việc đặt tên đúng và chính xác nhất đối với ban chỉ đạo là “Ban Chỉ đạo Thực hiện dân chủ của Trường A” (lưu ý viết hoa chữ “C” và chữ “T”).
Cơ sở pháp lý cho việc thực hiện dân chủ trong trường học
Khi Luật chưa ban hành thì việc triển khai thực hiện dân chủ trong nhà trường ở các cơ sở giáo dục đều căn cứ theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 09/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) gồm Thông tư số 11/2020/TT-BGD&ĐT ngày 19/5/2020 Hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập và Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Từ khi Luật có hiệu lực thì Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực (khoản 2 Điều 90 của Luật), có nghĩa là các văn bản căn cứ vào nghị quyết này để xây dựng như Nghị định số 04/2015/NĐ-CP hết hiệu lực và các văn bản căn cứ vào Nghị định số 04/2015/NĐ-CP để xây dựng cũng sẽ tự động hết hiệu lực (Thông tư số 01/2016/TT-BNV và Thông tư số 11/2020/TT-BGD&ĐT). Ngoài ra Thông tư số 36/2017/TT-BGD&ĐT cũng đã được thay thế bởi Thông tư số 09/2024/TT-BGD&ĐT ngày 03/6/2024 của Bộ GD&ĐT Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Cũng theo Luật, Điều 83 Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã nêu “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, căn cứ vào quy định của Luật này, quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.” (khoản 5) và “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.” (khoản 6). Đồng thời, tại khoản 2 Điều 91 nêu “Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trên cơ sở các nguyên tắc được quy định tại Luật này, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và Điều lệ của tổ chức mình, quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.”. Như vậy, có thể hiểu là chỉ có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mới quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị thuộc mình quản lý, các bộ ngành khác không quy định riêng. Do đó, trong tương lai gần, nếu không có những vướng mắc, bất cập khó tháo gỡ thì Bộ GD&ĐT nói riêng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ chưa ban hành những văn bản hướng dẫn thêm về thực hiện dân chủ trong ngành mình.
Đồng thời, sau khi Luật ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 Quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Hướng dẫn số 11/HĐ-TLĐ ngày 14/3/2024 Công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm làm rõ hơn một số chi tiết, điều khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện.
Từ những suy luận trên, có thể khẳng định, để triển khai xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở trong nhà trường hiện nay, chỉ cần căn cứ theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, Thông tư số 09/2024/TT-BGD&ĐT và Hướng dẫn số 11/HĐ-TLĐ là đủ cơ sở pháp lý, không cần phải chờ đợi thêm những văn bản khác hướng dẫn về công việc này của Bộ GD&ĐT.
Tác giả bài viết: Minh Nguyệt