Điểm nổi bật trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua là đã tổ chức một chiến dịch truyền thông rầm rộ, đa dạng hình thức, hiệu quả và tổ chức một đợt kiểm tra liên ngành ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng chú trọng hơn đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Công đoàn với vấn đề an toàn thực phẩm và bữa ăn ca cho người lao động
Năm 2024, Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động với khẩu hiệu “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình nhằm tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ) về chế độ, chính sách và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động; khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe và huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; nhận diện nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động, biến việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động từ hành động thành thói quen bắt buộc, tự giác của mỗi người lao động, giúp họ tự bảo vệ mình và góp phần ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Người lao động hào hứng với Chương trình "Bữa cơm Công đoàn" do LĐLĐ thị xã Hoài Nhơn
và Công ty CP Đầu tư An Phát tổ chức trong Tháng Công nhân 2024
Trong các nội dung an toàn, vệ sinh lao động, việc chú trọng đảm bảo chất lượng ATTP nói riêng và nâng cao chất lượng bữa ăn ca nói chung cho người lao động, qua đó đảm bảo sức khỏe, giúp người lao động có khả năng tái tạo sức lao động, tinh thần, thể chất sau những giờ làm việc mệt nhọc là một vấn đề hết sức quan trọng. Chất lượng bữa ăn ca không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ngay từ năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 7c/NQ-BCH về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, với mục tiêu đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15.000 đồng và mới đây là Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Tổng Liên đoàn về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đều coi việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động là một giải pháp góp phần chăm lo đời sống, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động
Một là, tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về ATTP và ATVSTP. Có các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động để việc đảm bảo ATVSTP trở thành thói quen, trở thành tác phong, thể hiện chất chuyên nghiệp của người lao động. Người lao động cần phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, biết tự bảo vệ mình, biết kiến thức cơ bản, thông thường về ATVSTP để giữ gìn sức khỏe bản thân.
Hai là, Công đoàn cần có sự kiểm tra, có ý kiến với chủ doanh nghiệp trong việc đảm bảo ATVSTP đối với các bếp ăn tập thể, nhà cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm cho doanh nghiệp bằng cách yêu cầu các đơn vị này phải cung cấp các chứng nhận về ATVSTP được cơ quan có thẩm quyền cấp, có cam kết đảm bảo ATVSTP đối với doanh nghiệp, có các loại trang thiết bị, tủ lưu mẫu đúng quy định, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm xảy ra.
Ba là, Công đoàn cần thương lượng với chủ doanh nghiệp để đưa vào thỏa ước thương lượng tập thể những vấn đề về chất lượng bữa ăn ca, tăng tiền ăn ca, mục tiêu là nâng giá trị thấp nhất từ 20.000 -25.000 đồng/suất trở lên đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc vùng I, vùng II và từ 18.000-22.000 đồng/suất trở lên đối với địa bàn thuộc vùng III, vùng IV như Kết luận 03/KL-BCH đã nêu. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng thực hiện mức tối đa theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1.9.2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, đề xuất các chương trình phúc lợi dài hạn mà ở đó chất lượng bữa ăn được đảm bảo, ATTP được nâng cao và do các nhãn hàng, đơn vị có uy tín, có chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP cung cấp.
Bốn là, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSTP theo pháp luật quy định về lĩnh vực này và chất lượng bữa ăn ca để đảm bảo sức khỏe người lao động,
Năm là, Công đoàn cấp trên cần nhân rộng, xây dựng và chia sẻ mô hình doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn ca cho người lao động; biểu dương các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác này để khuyến khích, tạo động lực thi đua, nhất là trong những khối, hiệp hội doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng địa bàn.