Ban Thanh tra Nhân dân (BTTND) trong doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Luật) có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Trước đây, theo Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại Chương VI với 10 Điều luật liên quan. Tuy nhiên, vì hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của BTTND là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Do đó, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 (có hiệu lực từ 01/7/2023) và đã được điều chỉnh tại Chương 2 (Điều 36 đến Điều 40), Chương III (Điều 60 đến Điều 63) và Chương IV (Điều 77 đến Điều 81) của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 1/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, 25, 26 và 27).
Ban Thanh tra nhân dân Công ty CP Môi trường Bình Định nhiệm kỳ 2024 – 2026
ra mắt tại Hội nghị Người lao động Công ty năm 2024
Mặc dù nội dung BTTND xuất hiện tại 3 chương của Luật nhưng chỉ có Chương IV Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động là nói về việc tổ chức và hoạt động của BTTND trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN), còn Chương II và III là thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị và sẽ đề cập đến trong một bài viết khác.
Về cơ bản, BTTND trong DNNN hay tại cơ quan, đơn vị đều do hội nghị người lao động (NLĐ) hoặc hội nghị cán bộ, công chức, viên chức bầu ra. Theo Điều 77 của Luật, trong DNNN, BTTND thường từ 03 đến 09 thành viên gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên; được bầu theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, tổ chức đại diện khác của NLĐ ở cơ sở (nếu có). Trường hợp DNNN có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán thì hội nghị NLĐ có thể quyết định số lượng thành viên nhiều hơn. Nhiệm kỳ của BTTND là 02 năm, trong nhiệm kỳ, nếu khuyết thành viên hoặc không còn được tín nhiệm, xin thôi làm nhiệm vụ… thì hội nghị NLĐ quyết định cho thôi làm nhiệm vụ và bầu người khác thay thế.
Như đã nói ở trên, hoạt động của BTTND là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở, do vậy, tại Điều 78 của Luật đã quy định BTTND ở DNNN có 6 nhiệm vụ, quyền hạn, cụ thể:
- Một là, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể NLĐ; giám sát việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của DNNN.
- Hai là, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.
- Ba là, yêu cầu người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát.
- Bốn là, xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo đề nghị của NLĐ ở doanh nghiệp.
- Năm là, kiến nghị ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc kiểm tra, giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Quang cảnh Hội nghị Người lao động Công ty CP Môi trường Bình Định
- Sáu là, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của NLĐ có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của BTTND.
Trên cơ sở 6 nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, NLĐ trong DNNN thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình, khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm, ngoài việc NLĐ có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh đến lãnh đạo doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức đại diện NLĐ… thì còn có thể phản ánh, đề nghị BTTND xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ. (Khoản 2 Điều 80 của Luật)
Đồng thời, để bảo đảm cho quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở được thực hiện, cụ thể ở đây là bảo đảm để NLĐ thực hiện kiểm tra, giám sát trong DNNN, tại Điều 81 của Luật đã quy định trách nhiệm của ban lãnh đạo DNNN phải tạo điều kiện và bảo đảm để BTTND thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật bằng cách thông báo cho BTTND về chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của BTTND; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của BTTND, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị; thông báo cho BTTND kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh và việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp mình. Mặt khác, Ban lãnh đạo DNNN cũng phải có trách nhiệm xử lý người có hành vi cản trở NLĐ thực hiện quyền kiểm tra, giám sát; người có hành vi trả thù, trù dập NLĐ thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; người có hành vi cản trở hoạt động của BTTND, trả thù, trù dập thành viên BTTND theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của ban lãnh đạo DNNN, Điều 81 còn quy định trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn ở DNNN và trách nhiệm của NLĐ trong việc kiểm tra, giám sát. Nếu như NLĐ cơ bản phải chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình thì Ban Chấp hành Công đoàn có nhiều trách nhiệm hơn với 5 nội dung. Trong đó bao gồm việc giới thiệu nhân sự để bầu BTTND, công nhận kết quả bầu và đề nghị cho thôi làm thành viên BTTND; hướng dẫn cho BTTND xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét, giải quyết kiến nghị của BTTND; Vận động NLĐ phối hợp và tích cực hỗ trợ hoạt động của BTTND; Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho BTTND.
Các điều 24, 25, 26 và 27 trong Nghị định 59/2023/NĐ-CP về cơ bản cũng làm rõ thêm một số vấn đề trong tổ chức và hoạt động của BTTND, ví dụ như chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hội nghị NLĐ bầu BTTND, thì Ban Chấp hành Công đoàn ở DNNN phải công nhận kết quả (Điều 24). 05 ngày làm việc cũng là thời gian tối thiểu mà BTTND phải báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở DNNN và thông báo đến ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (nếu có) trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát. Về chế độ báo cáo, BTTND có trách nhiệm định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp hàng quý, 06 tháng và năm hoặc khi có yêu cầu; báo cáo hằng năm tại hội nghị NLĐ (Điều 26).
Như vậy, trong Luật và Nghị định đã nêu đầy đủ về tổ chức và hoạt động của BTTND cũng như những điều kiện đảm bảo để BTTND hoạt động. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của tổ chức, được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ ở DNNN tại doanh nghiệp, tổ chức mình. Đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức mở rộng hơn phạm vi, nội dung, cách thức thực hiện dân chủ mà pháp luật quy định nhưng không được trái hoặc hạn chế quyền thực hiện dân chủ của NLĐ được quy định trong Luật và pháp luật khác có liên quan (Điều 82).