Thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), thời gian qua tổ chức Công đoàn đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (DCCS) góp phần quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã chủ động tham gia với chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) thực hiện công tác dân chủ tại cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực. Bình quân hàng năm, có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị CBCCVC, 100% DN nhà nước và 61,2% DN ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động (đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); gần 400 công đoàn cơ sở DN tổ chức 1.614 cuộc đối thoại tại nơi làm việc; 283 DN có tổ chức công đoàn thực hiện hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động (NLĐ)… Các cấp công đoàn đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức hơn 500 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong đó có nội dung thực hiện quy chế DCCS tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại và trả lời ý kiến của đoàn viên, CNVCLĐ cũng được thực hiện kịp thời….Qua đó, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý các vi phạm, đề xuất cải tiến chính sách pháp luật và hướng dẫn giải đáp về pháp luật cho cơ sở và NLĐ; giải quyết kịp thời các khó khăn, bức xúc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc.
Để nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần quan tâm một số nội dung sau:
Xây dựng ý thức dân chủ: là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở, phải tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền và cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức và ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của CNVCLĐ về dân chủ, khi hiểu rõ giá trị của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, họ sẽ tích cực tham gia.
Đẩy mạnh công tác đào tạo cho cán bộ công đoàn: cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện dân chủ tại cơ sở, cần tăng cường đào tạo các kỹ năng đàm phán, lãnh đạo và quản lý, đồng thời đảm bảo kiến thức pháp luật lao động và quy định liên quan để cán bộ công đoàn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Tăng cường vai trò tư vấn và hỗ trợ cho NLĐ: cần tăng cường công tác tư vấn và hỗ trợ cho NLĐ để họ hiểu rõ về quyền lợi và lợi ích của mình trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các buổi tư vấn, hội thảo và trao đổi thông tin, giúp họ nắm vững quy trình và cơ chế thương lượng, từ đó tạo sự tự tin và sẵn lòng tham gia vào quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận lao động.
Tăng cường công tác thông tin và giao tiếp: Tăng cường thông tin và giao tiếp là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; các cấp công đoàn cần xây dựng kênh thông tin hai chiều giữa các bên để trao đổi, lắng nghe ý kiến, tìm hiểu nhu cầu của các bên trong quan hệ lao động để đề xuất giải pháp phù hợp.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát: cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá và theo dõi việc thực hiện dân chủ tại cơ sở, phát hiện và đề xuất biện pháp cải thiện khi có vi phạm hoặc sai phạm.
Việc nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện một cách quyết liệt. Chỉ khi có sự hỗ trợ, đồng thuận và chủ động trong việc thúc đẩy thực hiện dân chủ của đoàn viên, CNVCLĐ ở cơ sở thì tổ chức Công đoàn mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong bối cảnh kinh tế và xã hội đang chuyển đổi không ngừng để đóng góp tích cực vào việc xây dựng môi trường lao động chất lượng cao và tiến bộ, tạo đà cho sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương, đất nước.