Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (gọi tắt là Kết luận 80) và Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 07/11/2011của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”. Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp, đặc biệt tập trung chỉ đạo liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố và Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tập trung khảo sát nắm tình hình hoạt động các doanh nghiệp, triển khai thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn. Toàn tỉnh có 69.387 lao động và 529 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 34 doanh nghiệp, đây là đối tượng mà công đoàn hướng tới. Đồng thời, đã có 15/15 công đoàn huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và trên 80% số công đoàn cơ sở có văn bản cụ thể hóa triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc thù từng đơn vị, chú trọng đối tượng lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Xây dựng tổ chức công đoàn và chú trọng phát triển đoàn viên là cơ sở xã hội góp phần xây dựng Đảng. Do đó, công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐCS trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài một lĩnh vực khó khăn, phức tạp, tỷ lệ đạt còn thấp là mối quan tâm của các cấp công đoàn trong tỉnh, nhất là Công đoàn khu kinh tế. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai thực hiện “Chương trình phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ” với nhiều giải pháp thiết thực như: đã tổ chức đăng ký, giao chỉ tiêu phấn đấu hàng năm về công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn cơ sở; tiến hành khảo sát các doanh nghiệp và thực hiện vận động trực tiếp việc thành lập tổ chức công đoàn; ban hành và thực hiện quy định về tiêu chuẩn, bảng chấm điểm, xếp loại đối với các cấp công đoàn; kịp thời sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn chấm điểm, đánh giá công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở phù hợp với từng loại hình.
Kết quả, từ năm 2011 đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có tổng số 60.248 lao động trong các doanh nghiệp đã có CĐCS, trong đó: 40.843 lao động là đoàn viên công đoàn đạt tỷ lệ 67,79%%, có 371/529 doanh nghiệp đã thành lập CĐCS đạt tỷ lệ 70,13%. Riêng các khu công nghiệp có 138 doanh nghiệp với 12.665 lao động, trong đó có 6.001 là đoàn viên công đoàn đạt tỷ lệ 47,38% và có 90 doanh nghiệp có CĐCS đạt tỷ lệ 65,2%, số doanh nghiệp có 30 lao động trở lên ngày càng thu hẹp dần, còn chưa tới 4%.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trên cơ sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Trong 5 năm qua tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc bình quân hàng năm đạt trên 70%. Kết quả công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp, công tác củng cố tổ chức, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp luôn được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện, 5 năm qua đã giới thiệu 10.588 đoàn viên ưu tú cho cấp ủy xem xét kết nạp và đã có 7.021 đoàn viên được kết nạp vào Đảng (Năm 2011: Đã giới thiệu 2.020 đoàn viên ưu tú, kết nạp 1.105 đảng viên. Năm 2012: Đã giới thiệu 2.415 đoàn viên ưu tú, kết nạp 1.838 đảng viên.Năm 2013: Đã giới thiệu 2.200 đoàn viên ưu tú, kết nạp 1.551 đảng viên.Năm 2014: Đã giới thiệu 2.152 đoàn viên ưu tú, kết nạp 1.359 đảng viên.Năm 2015: Đã giới thiệu 1.801 đoàn viên ưu tú, kết nạp 1.168 đảng viên). Trong 5 năm, đã cử 627 lượt cán bộ công đoàn thuộc các doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, cho nên trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới:
- Công tác triển khai, tổ chức thực hiện Kết luận 80 chưa được thường xuyên, liên tục, thiếu kiểm tra đôn đốc, đánh giá, nhân điển hình, đề ra giải pháp thực hiện hiệu qủa hơn.
- Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng cấp chưa thật sự phát huy, phối hợp chưa chặt chẽ.
- Tỷ lệ phát triển tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên, công nhân được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng còn thấp so với số lượng doanh nghiệp, CNLĐ.
- Chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn ngoài nhà nước nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
2. Bài học kinh nghiệm
- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo: Nơi nào cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, coi trọng công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS và xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thì nơi đó vai trò hoạt động công đoàn cơ sở được phát huy.
- Về công tác tổ chức và cán bộ: Thường xuyên củng cố, kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ CĐCS phù hợp, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động công đoàn; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn và chất lượng hoạt động của tổ đối thoại, tổ thương lượng, để thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Về nội dung và phương thức hoạt động: Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐCS thiết thực, phù hợp, sát hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và luật công đoàn đến CNVCLĐ, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, nhất là người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ các biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động CĐCS
- Về công tác xây dựng CĐCS vững mạnh: Thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn; kịp thời ban hành và bổ sung sửa đổi quy định về bảng điểm đánh giá xếp loại CĐCS thật cụ thể, sát với điều kiện, đặc thù các loại hình CĐCS, tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động CĐCS hằng năm qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh.
3. Giải pháp thời gian tới
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo nội dung Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Kết luận 80 trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, đảng viên và chủ doanh nghiệp về sự cần thiết khách quan, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Hài là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, công đoàn cấp trên, nhất là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thực hiện Kết luận 80.
Bà là, tiếp tục điều tra, khảo sát tình hình tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn chưa có tổ chức công đoàn có số lượng lao động từ 10 người trở lên để nắm tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình lao động và sử dụng lao động của doanh nghiệp…để có phương pháp tiếp cận, thuyết phục, vận động đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bốn là, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh trong doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp (giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú để Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp).
Sáu là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Anh
Những tin mới hơn