Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

LĐLĐ huyện Phù Mỹ: Phong trào thi đua phải thực sự mạnh về chất, có ý nghĩa thiết thực

Thứ năm - 19/03/2020 14:48

Như lời Bác Hồ đã dạy: Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày.Với phương châm "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực", nhân rộng và lan tỏa những việc làm tử tế thông qua việc biểu dương những điển hình tiên tiến tiêu biểu thi đua làm theo Lời Bác. LĐLĐ huyện muốn truyền tải thông điệp rằng "người lao động là vốn quý, ổn định việc làm, chăm lo đời sống của người lao động là chìa khóa thành công của nhiều doanh nghiệp".
Trong công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn, việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được các cấp Công đoàn trong huyện duy trì, tổ chức sôi nổi, liên tục, đều khắp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngành, địa phương. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn, LĐLĐ huyện tổ chức, phát động phong trào thi đua với những chương trình, nội dung khác nhau.
Hàng năm, LĐLĐ huyện đều tổ chức hội nghị biểu dương đoàn viên, công nhân, lao động và các đơn vị có nhiều thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, sau mỗi lần tổ chức biểu dương đoàn viên, công nhân, lao động tiêu biểu thi đua làm theo Lời Bác, thì phong trào thi đua trong công nhân, lao động được dấy lên mạnh mẽ, điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều trên các lĩnh vực.
Nhưng thực tế trong thời gian qua, có những nơi, những lúc phong trào thi đua chưa mạnh, chưa sâu rộng, đều khắp, nội dung thi đua còn nghèo nàn, hình thức thi đua chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Việc kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, phát hiện, nhân rộng điển hình ở một số địa phương, ngành, cơ sở còn chậm.
Hiện nay, nhiều đơn vị xây dựng điển hình tiên tiến chỉ mới để tuyên dương, chứ chưa phải để mọi người trông vào mà học tập, phấn đấu và vượt lên. Quan niệm về điển hình tiên tiến trong các đơn vị hiện vẫn chưa rõ ràng, nhiều đơn vị nhầm lẫn giữa điển hình với người có thành tích. Điển hình tiên tiến thì đương nhiên là phải có thành tích, nhưng có thành tích thì chưa hẳn đã bật lên thành điển hình. Cũng từ quan niệm này, có đơn vị đặt ra yêu cầu quá cao cho điển hình, cứ nghĩ điển hình thì phải toàn diện, phải liên tục đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua. Nhưng thực tế của phong trào thi đua cho thấy, có thể có điển hình toàn diện nhưng cũng có điển hình từng mặt, không nhất thiết phải toàn diện. Ở đây, muốn lưu ý, điển hình không phải là tích lũy, là phép cộng tất cả các bằng khen, giấy khen, hay thành tích. Có những điển hình tiên tiến biểu dương, khen thưởng xong không nhân rộng được vì đơn vị không xây dựng được kế hoạch nhân rộng bài bản, hoặc điển hình tiên tiến không thực chất, không được tập thể lao động bầu chọn giới thiệu, điển hình khó làm theo... Điều này làm giảm tác dụng, ý nghĩa của việc biểu dương điển hình tiên tiến rất nhiều.
Bước vào năm 2020 là giai đoạn cao điểm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu của phong trào thi đua được LĐLĐ huyện xác định là “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn lao động”. Từ mục tiêu này, các cấp Công đoàn trong huyện sẽ cụ thể hóa thành các phong trào phù hợp. Trọng tâm vẫn làm các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong lao động công nghiệp.
Trong thời gian tới, LĐLĐ huyện là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, hướng về cơ sở, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phối hợp với các cấp, các ngành chức năng chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, chăm lo cho người lao động như vấn đề tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Đó chính là động lực để người lao động làm việc hăng say. Ở đâu quyền lợi của người lao động chưa được quan tâm, bị xâm phạm ở đó khó có phong trào thi đua.
Đối với cán bộ công đoàn làm công tác thi đua, phải "tắm mình" trong phong trào CNVCLĐ ở cơ sở. Từ đó mới nắm bắt, phát hiện các điển hình tiên tiến cần phát huy, nhân rộng tạo sức sống cho phong trào. Tránh tình trạng biểu dương, khen thưởng điển hình qua báo cáo, xác định rõ công tác thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của mình, là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá hoạt động của Công đoàn cơ sở và CNVCLĐ. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, phải đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua. Chú trọng việc xem xét đối tượng, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn các tập thể, cá nhân đề nghị biểu dương, khen thưởng, nhân rộng. Có như vậy, phong trào thi đua yêu nước mới thực sự mạnh về chất, mới có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh cái hay, cái tốt đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu.

Tác giả bài viết: Võ Thanh Tấn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phù Mỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây