Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Phát huy truyền thống 95 năm Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024)

Thứ ba - 02/07/2024 09:44
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, là dịp để cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức và lao động ôn lại truyền thống vẻ vang, tự hào vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của minh góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh cam go, quyết liệt, gian khổ, hy sinh góp phần giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng. Đồng thời, thông qua hoạt động  thực tiễn của tổ chức công đoàn còn có ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác công đoàn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới trong bối cảnh thực hiện khát vọng xây dựng đất nước vững mạnh, phồn vinh, hạnh phúc và quan hệ quốc tế sâu rộng.
 
TG020720241
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2023-2028

I. Thành lập Công hội đỏ và ý nghĩa lịch sử                                                                         
Ngày 17/6/1929,  Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời và công bố chính cương, tuyên ngôn, xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng, lấy phong trào công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng, lấy việc vận động công nhân là công tác trung tâm của Đảng. Ngay sau khi ra đời, Ban chấp hành Đông dương Cộng sản Đảng đã chủ trương nhanh chóng phát triển Công hội đỏ trong các sản nghiệp chủ yếu và các thành phố lớn và quyết định triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội Miền Bắc Việt Nam vào ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Đông dương Cộng sản Đảng, phụ trách công tác công vận của Đảng đứng đầu.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Đây là kết quả tất yếu của phong trào vận động công nhân và sự truyền bá lý luận Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đảng viên cộng sản vào phong trào công nhân nước ta. Đây là thắng lợi của đường lối công vận của Đảng ta. Tổng Công hội đỏ Miền bắc Việt Nam ra đời đáp ứng yêu cầu bức thiết của phong trào công nhân đang phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam và lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình hoạt động có tôn chỉ, có mục đích, phản ảnh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Đó cũng chính là yếu tố sức mạnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 
TG020720242
Số nhà 15 Hàng Nón, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, 28/7/1929
 
Chặng đường vẻ vang suốt 95 năm qua tổ chức Công đoàn liên tục phát triển, đã trải qua 13 kỳ Đại hội và 6 lần đổi tên gọi : Công hội đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội công nhân phản đế,Hội công nhân cứu quốc (trước 1945). Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc đã đổi tên "Hội Công nhân cứu quốc" thành "Công đoàn". Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" đã chính thức được thành lập, thống nhất trong cả nước và được Liên hiệp Công đoàn thế giới công nhận (1949). Năm 1961, đổi tên Tổng Công đoàn và từ tháng 10/1988 đến nay là Tổng Liên đoàn Lao động  Việt Nam. Dù với tên gọi khác nhau, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn thể hiện tính giai cấp, giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng và góp phần tích cực vào việc xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đi đầu trong mọi giai đoạn của cách mạng và trong công cuộc đổi mới phát triển CNH-HĐH đất nước.
II. Giá trị thực tiễn, hiện thực hóa hoạt động công đoàn trong thời gian tới
1. Sự lãnh đạo của Đảng là yêu cầu tất yếu, khách quan đảm bảo cho mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn đúng hướng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đổi mới sáng tạo, góp phần giành thắng lợi sự nghiệp cách mạng, lấy Chủ nghĩa Mác Lê- nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh kim chỉ nam cho mọi hành động.
Từ thực tiễn của Cách mạng Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2.1930) là kết quả tổng hợp của 3 yếu tố: Chủ nghĩa Mác Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Từ khi ra đời tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội đánh dấu bước ngoặt phát triển, vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn được khẳng định; công đoàn đã thật sự là sợi dây nối liền giữa Đảng với quần chúng công nhân lao động và phát huy vai trò nòng cốt của công nhân trong thời  kỳ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Công đoàn luôn coi trọng xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, là đối tượng vận động chủ yếu, xuyên suốt.
Qua mỗi giai đoạn của cách mạng, nhất là thời kỳ vận động đấu tranh giải phóng dân tộc (1930-1975), giai cấp công nhân được phát huy, nhất là phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam Việt Nam; Đảng ta rất chú trọng công tác vận động công nhân (công tác Công vận của Đảng). Sau ngày giải phóng 1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 20 (01/2008) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ ngày 07/3/2008; qua 16 năm thực hiện Nghị quyết số: 20/NQ-TW giai cấp công nhân phát triển về số lượng và chất lượng. Công đoàn tham gia, phối hợp với chính quyền, các ngành, các cấp trong việc đào tạo, đào tạo lại, tạo điều kiện để CNLĐ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu mới, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực khoa học và công nghệ.        
3. Phải tăng cường chăm lo, bảo vệ đời sống của công nhân, viên chức, lao  động; thực tiễn việc làm và đời sống của công nhân được cải thiện đáng kể, nhưng một bộ phần còn nhiều khó khăn
Chăm lo và bảo vệ đời sống cho công nhân là chức năng bẩm sinh của tổ chức công đoàn. Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của Công đoàn theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, cán bộ Công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, Đặc biệt là chính sách tiền lương, tiền công, về thu nhập, nhà ở, chế độ BHXH.
4. Phải xây dựng tổ chức công đoàn thật sự lớn mạnh, rộng khắp trong các thành phần kinh tế là chỗ dựa vững chắc của người lao động, đồng thời là điều kiện  để  công đoàn tồn tại và phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế
Các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đặc biệt là đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vừa hồng, vừa chuyên, xuất thân và trưởng thành từ phong trào công nhân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Tác giả bài viết: ThS Nguyễn Ngọc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây