Diễn ra vào sáng 24/4/2024 tại thành phố Quy Nhơn, Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên do Báo Tiền Phong và UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn VNPT phối hợp tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế số, tạo ra diễn đàn trao đổi về phát triển kinh tế số ở khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Chính từ đây cũng mở ra những cơ hội và thách thức để Công đoàn Bình Định bắt kịp với xu hướng chung, đổi mới cả về tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số Nam Trung bộ - Tây Nguyên
Sáng kiến của Báo Tiền Phong
Sáng kiến tổ chức hội thảo thúc đẩy kinh tế số cấp Vùng do Báo Tiền Phong chủ trì trong những năm gần đây là chuỗi các hoạt động thiết thực của Báo nhằm lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số, góp phần tích cực vào việc quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Sau lần đầu tiên được tổ chức tại Cần Thơ năm 2022 dành cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tại Yên Bái cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2023. Hội thảo năm nay tại thành phố Quy Nhơn dành cho khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã là lần thứ ba, với mục tiêu hướng đến chủ đề năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Hội thảo lần này có sự tham dự của 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, đại diện UBND tỉnh/thành phố, đại diện nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước. Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu được nghe 9 tham luận và 1 chương trình thảo luận do Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chủ trì với mong muốn sẽ là diễn đàn để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ nhằm đạt mục tiêu về sự phát triển của kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Đưa kinh tế số trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số của nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, để thực hiện đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số, cần có các giải pháp mang tính đột phá mới trên cơ sở nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong phát triển địa phương, doanh nghiệp.
Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP”, đến năm 2030 “Kinh tế số chiếm trên 30% GDP”. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến 2025 “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%”. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.
Tại Bình Định, trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến 2025 “Phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP”, “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”. Năm 2023, tỉnh Bình Định được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam chọn đăng cai tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam lần thứ 24”. Số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh hiện có 186 doanh nghiệp. Bình Định còn là 1 trong 4 thành viên chính thức của chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động là TMA và FPT với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng…
Một điều dễ nhận thấy là những mô hình hay, kinh nghiệm tốt của 9 diễn giả đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp mang đến cho Hội thảo đã được Ban Tổ chức lựa chọn rất kỹ, bám sát với tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” như chia sẻ các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực; vai trò của cơ sở dữ liệu với phát triển kinh tế số; áp dụng nền tảng IOT trong xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước, an toàn hồ đập và cảnh báo thiên tai; xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một trang website, một nhật ký điện tử…
Kết quả và phản hồi của đại biểu tham dự hội thảo, nhất là những trao đổi, chia sẻ trong phần thảo luận thể hiện rõ sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp đối với kinh tế số; là một cơ hội để các cấp, các ngành cùng nâng cao nhận thức và thúc đẩy phát triển kinh tế số của khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Từ đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chuyển đổi số trong khu vực và quốc gia.
Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện “Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã đạt được những kết quả bước đầu, các phần mềm kế toán công đoàn, phần mềm Văn phòng điện tử Voffice, phần mềm quản lý đoàn viên,… được triển khai trên cả nước đã cho thấy hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.
Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 đã xác định một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn là “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, triển khai đề án chuyển đổi số rộng rãi trong tổ chức công đoàn, góp phần tạo đột phá trong phương thức chỉ đạo, điều hành hoạt động công đoàn”. Trên cơ sở đó, Đại hội đã xác định việc ban hành “Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn” là chuyên đề để triển khai các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2023-2028, thể hiện quyết tâm của các cấp Công đoàn cũng như của hơn 11 triệu đoàn viên đối với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Đây được xem là một trong những giải pháp mới, tối ưu; không những chăm lo mà còn phục vụ tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động.
Mới đây, triển khai bước đầu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Chương trình “Chợ tết Công đoàn năm 2024” qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây có thể nói là bước đi đầu tiên trong việc triển khai xây dựng nền tảng trực tuyến và dần trở thành mạng xã hội để đoàn viên, người lao động giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; đồng thời, xây dựng nền tảng trực tuyến thành một sàn thương mại điện tử để đoàn viên, người lao động có thể mua hàng hóa có xuất xứ, có chất lượng, giá cả phù hợp… nhằm tạo nét mới, giúp đoàn viên, người lao động hiểu thêm về kênh mua sắm tiện tích; tiêu dùng thông thái hơn trong lựa chọn hàng hóa, mẫu mã, yên tâm về giá… Ngoài ra, để kịp thời tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho người lao động có nhu cầu về trợ giúp pháp lý thì việc xây dựng trợ lý ảo cũng là một trong những mục tiêu mà tổ chức Công đoàn hướng đến, thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Công đoàn Bình Định - bắt kịp xu hướng chuyển đổi số
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khoá XIII trình Đại hội XIV Công đoàn tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã chỉ rõ những nhiệm vụ của Công đoàn Bình Định phải thực hiện để thích ứng với bối cảnh tình hình mới, trong đó chú trọng những nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số, coi đây là một trong những việc làm cụ thể để thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, như xây dựng ứng dụng (app) Công đoàn Bình Định; phát động cuộc vận động “Công nhân Bình Định: Công nhân số - Công nhân hiện đại”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý tài chính, quản lý đoàn viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp. Đặc biệt, Công đoàn Bình Định đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn”.
Đại biểu biểu quyết tại Đại hội Công đoàn Bình Định lần thứ XIV (2023 - 2028)
Thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2008 - 2013, Công đoàn Bình Định đã triển khai thực hiện phần mềm xử lý văn bản, điều hành trực tuyến có tên Worktoday 2.0 và trước đó là phần mềm kế toán Công đoàn Bình Định (từ trước năm 2000) hoạt động rất hiệu quả, là tiền đề và cơ sở cho việc triển khai nâng cấp cũng như tiếp cận và ứng dụng các phần mềm sau này của Tổng Liên đoàn. Bên cạnh đó, trong công tác truyền thông, việc bắt kịp và kiên trì xu hướng “một chạm” của Công đoàn Bình Định cũng là một hướng “chuyển đổi số” trong việc chuyển tải những thông tin tuyên truyền giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn đến với đoàn viên, người lao động.
Như phân tích ở trên, việc Báo Tiền Phong lựa chọn Bình Định là địa điểm đăng cai tổ chức hội thảo thúc đẩy kinh tế số không phải là ngẫu nhiên. Với vị thế là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia; 1 trong 4 thành viên chính thức của chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung với hàng ngàn lao động đang làm việc và những ưu đãi khác cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin; Bình Định trong thời gian qua đang vươn lên mạnh mẽ, năm 2023 tổng sản phẩm địa phương GRDP ước tăng 7,61%, trong khi GDP cả nước ước khoảng 5%; GRDP bình quân đầu người đạt 78,1 triệu đồng (đứng thứ 6/14 tỉnh khu vực Nam Trung bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022); quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh (tăng 2 bậc so với thời điểm trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX). Những kết quả đó cho thấy thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục phát triển và kinh tế số sẽ là lĩnh vực được ưu tiên.
Đối với tổ chức Công đoàn, việc phát triển kinh tế số cũng sẽ đặt ra bài toán đuổi kịp và vượt của Công đoàn, bởi lẽ Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nếu Công đoàn không bắt kịp xu thế chuyển đổi số thì sẽ không thể hiện được vai trò, chức năng đại diện của mình bởi lẽ bản thân phải giỏi hơn đối tượng mà mình bảo vệ thì mới chăm lo và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Điều này cũng phù hợp với những định hướng lớn trong Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn tỉnh Bình Định và Đề án số 08/ĐA-LĐLĐ ngày 15/02/2023 của LĐLĐ tỉnh Bình Định về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Bình Định trong tình hình mới.
Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và Big Data, kinh tế số phát triển cũng sẽ hình thành nên những đối tượng lao động mới, có sự khác biệt với hình dung về lao động lâu nay; những thành phần như shipper, lái xe công nghệ, làm việc từ xa,… có thể sẽ không ký hợp đồng lao động với công ty mà là trở thành những đối tác, khu vực lao động phi chính thức này chính là mảnh đất màu mỡ của các nghiệp đoàn mà Công đoàn cần khai phá.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu “Mỗi cán bộ Công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời câu hỏi: Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì, có khó khăn gì không?”. Bằng việc làm, hành động cụ thể, với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số của Công đoàn Bình Định nói riêng, Công đoàn Việt Nam nói chung sẽ thành công tốt đẹp, qua đó xứng đáng là tổ chức lớn nhất của người lao động cả nước; là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.