Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ tư - 03/01/2024 15:10
Trong thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các cấp công đoàn, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Kế hoạch của Tỉnh ủy, của LĐLĐ tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được triển khai nghiêm túc đạt yêu cầu đề ra. Việc tổ chức cho cán bộ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) học tập, quán triệt Nghị quyết và các chương trình hành động đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về bản lĩnh chính trị, ý thức cách mạng, tinh thần dân tộc, ý thức giác ngộ giai cấp; vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước; các chế độ, chính sách và bảo hiểm, tiền lương, an toàn lao động; đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động được nâng lên. Qua đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng; trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được nâng cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến; có cơ cấu đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 125 nghìn lao động, tăng 5,5% so với năm 2008. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng; tính đến tháng 11/2023 toàn tỉnh có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 3.500 doanh nghiệp so với năm 2008. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng lao động nông nghiệp. 
Về công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết:
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 20, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 20/6/2008 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân tỉnh Bình Định đến năm 2020, chỉ đạo các cấp ủy đảng trong tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết. Căn cứ Kế hoạch của tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của cấp mình và có kế hoạch chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và CNVCLĐ của đơn vị. UBND tỉnh đã cụ thể hoá thành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối kết hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tập hợp quần chúng; tuyên truyền, vận động và giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho đoàn viên, CNVCLĐ; tuyên truyền đến các doanh nghiệp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức đa dạng phù hợp nhằm thu hút, tập hợp CNVCLĐ, nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, phối hợp tốt trong công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
Sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong việc quán triệt, triển khai Nghị quyết:
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với đội ngũ CNVCLĐ, cán bộ công đoàn khối hành chính, sự nghiệp được các cấp ủy quan tâm; cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động công đoàn được các cấp chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tạo điều kiện; các chính sách xã hội về lao động, việc làm, đào tạo nghề luôn được các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thường xuyên, kịp thời; các cấp, các ngành làm tốt công tác động viên, chia sẻ, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp người lao động yên tâm làm việc, hăng hái thi đua lao động, sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc cụ thể hóa các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 20; chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Công tác chỉ đạo, triển khai trong các cấp công đoàn:
Trên cơ sở Kế hoạch số 378/KH-TLĐ ngày 06/3/2008, Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ ngày 07/3/2008 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 20/6/2008 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20; xây dựng và ban hành 76 văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp công đoàn tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết 20; xây dựng và cụ thể hoá kế hoạch thực hiện Nghị quyết của LĐLĐ tỉnh, tổ chức triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết trong từng năm; chỉ đạo Trang Thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh, website ở các cấp công đoàn, Tạp chí Công đoàn, Truyền hình Công đoàn, Bản tin Công đoàn và phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương chuyển tải nội dung Nghị quyết đến với CNVCLĐ… Đã có 15/15 công đoàn cấp huyện, ngành trực thuộc tham mưu cho cấp ủy đảng cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của cấp mình với các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình CNVCLĐ ở từng địa phương, đơn vị, ngành.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, phân công các đồng chí thường vụ LĐLĐ tỉnh phụ trách các tổ công tác theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết; cử cán bộ trực tiếp đi cơ sở, nắm tình hình triển khai, quán triệt tại các cấp công đoàn, nhằm đôn đốc việc học tập, quán triệt một cách rộng rãi và có chất lượng; tổ chức 07 lớp bồi dưỡng cho gần 600 cán bộ công đoàn chủ chốt của tỉnh; lồng ghép mở 18 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn, trong đó có chuyên đề “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho hơn 2.800 cán bộ công đoàn các cấp; phát hành trên 3.000 tập tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết 20 và Kết luận 79-KL/TW. Các công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp vận động, cử cán bộ, CNVCLĐ tham gia các lớp do công đoàn cấp trên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng... Kết quả, sau 15 năm đã có khoảng 1,2 triệu lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia học tập.
Công tác bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân
Các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bản lĩnh chính trị, ý thức cách mạng, tinh thần dân tộc, ý thức giác ngộ giai cấp cho công nhân lao động; thường xuyên tổ chức quán triệt, học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sứ mệnh lịch sử, vai trò tiên phong của giai cấp công nhân; xây dựng giai cấp công nhân có bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, không dao động trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đoàn viên, người lao động; động viên CNVCLĐ tích cực học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH; ngăn ngừa, đẩy lùi các tác động tiêu cực trong công nhân lao động.
Công tác tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đạt được nhiều kết quả khả quan, từng bước đi vào chiều sâu, có chất lượng. Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, tội phạm, mại dâm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cán bộ, đoàn viên hưởng ứng tích cực. Phối hợp tổ chức 87 lớp tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, Đề án 343, An toàn giao thông với 8.980 lượt người tham gia đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ công đoàn tham gia các khóa tập huấn do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Hưởng ứng Ngày pháp luật hàng năm, các cấp công đoàn và Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tổ chức hàng trăm hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí, cấp phát hàng chục ngàn tập tài liệu tuyên truyền pháp luật lao động. Hệ thống báo chí công đoàn tỉnh tích cực phối hợp với các đài phát thanh truyền hình từ tỉnh đến huyện để xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình công đoàn; sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở xây dựng bản tin hoạt động cùng với Tạp chí Công đoàn Bình Định, các trang thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên cơ sở đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về hình thức tuyên truyền của công đoàn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của đoàn viên và CNVCLĐ.
Hàng năm, tổ chức Công đoàn phối hợp các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ công đoàn và CNVCLĐ; Quán triệt tốt các Chỉ thị của Bộ Chính trị như Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực đến đoàn viên, CNVCLĐ; ngoài ra chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội; pháp luật lao động gắn với việc duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Tháng công nhân, thi tìm hiểu lịch sử giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, các chủ trương nghị quyết của Đảng...
Công tác tham gia đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động cho công nhân lao động
LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai Chương trình “Nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” gắn với đề án về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp”; đồng thời đầu tư nâng cao năng lực hoạt động Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bình Định; chú trọng quan tâm thực hiện công tác đào tạo nghề cho CNLĐ, chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho đội ngũ công nhân lao động; tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh tại các doanh nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay có hơn 65% đoàn viên CNLĐ được đào tạo và đào tạo lại nghề. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bình Định đã thực hiện bồi dưỡng đào tạo nghề cho hơn 2.000 học viên; ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đào tạo nghề cho công nhân lao động; phối hợp với các trường cao đẳng, đại học đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh thông qua các chương trình đào tạo cao học, quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính cho hơn 600 học viên.
 Thực hiện các chính sách, pháp luật; chăm lo, bảo bệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân được các cấp công đoàn quan tâm:
Tổ chức 217 hội nghị lấy ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý; phối hợp tổ chức kiểm tra giám sát gần 3.000 cuộc, trong đó 2.100 cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ, chính sách đối với NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp; chủ động tham gia xây dựng quy chế, quy định về công tác tài chính, cán bộ, khen thưởng; cử thành viên tham gia vào các hội đồng khen thưởng, kỷ luật; tham gia, đề xuất với chủ doanh nghiệp các giải pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả; tổ chức 4.680 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động và NLĐ, giải quyết kịp thời những điểm nóng trong CNLĐ; Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn đã tư vấn, kiến nghị giải quyết 859 vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.
Việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị tổ chức đúng quy trình và thời gian quy định. Đối với khối hành chính sự nghiệp, tỉ lệ hội nghị CBCCVC được đảm bảo 100% về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ các doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ được nâng lên nhiệm kỳ 2008 - 2013 đạt 20%, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đạt 60,1%. Về thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), tính đến thời điểm báo cáo có: 328 bản TƯLĐTT đạt 64,7%, trong đó có nhiều bản TƯLĐTT có điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

 
QN310320242
Hội nghị người lao động

 Bên cạnh việc phối hợp các cấp, các ngành thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế; tham gia, phối hợp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề cho hàng chục nghìn lao động; các cấp công đoàn tỉnh đã tham gia và trực tiếp tạo việc làm cho NLĐ bằng việc tín chấp vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn do Tổng Liên đoàn ủy quyền. Trong 15 năm qua, công đoàn tỉnh đã cho vay vốn với tổng số tiền 7,260 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 1.244 lao động; tổ chức thăm và tặng quà cho 255.792 nghìn lượt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 109,410 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa 159 nhà Mái ấm Công đoàn với tổng số tiền 4,39 tỷ đồng. Các cấp công đoàn quan tâm, vận động doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca chất lượng cho NLĐ; hỗ trợ đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo quy định của Tổng Liên đoàn. Kết quả có 598 NLĐ được công đoàn hỗ trợ với tổng số tiền 583,4 triệu đồng. Các chương trình chăm lo phúc lợi đoàn viên được LĐLĐ tỉnh quan tâm và tổ chức ký kết với 11 đơn vị.
Hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ được quan tâm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC tổ chức Hội nghị triển khai dự án xây dựng nhà ở cho NLĐ trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (quy mô: tổng diện tích đất 37.617 m2, gồm 4 block cao tầng có 1.498 căn hộ chung cư và 82 căn nhà liền kề). Phối hợp tổ chức Lễ khởi công dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn tỉnh Bình Định. Tổ chức hàng ngàn hoạt động văn hóa thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho CNVCLĐ. Hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá” giai đoạn 2021-2026; giới thiệu 24.291 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đã có 9.897 đoàn viên được kết nạp vào Đảng ; phát triển mới 71.306 đoàn viên và 660 CĐCS.
Công tác quy hoạch cán bộ công đoàn được Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn bộ máy của Cơ quan LĐLĐ tỉnh với 04 ban, 23 biên chế (giảm 03 ban, 02 biên chế); hàng năm tiến hành rà soát, đánh giá và quy hoạch bổ sung cán bộ công đoàn; chỉ đạo việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (giải thể Tạp chí Công đoàn năm 2020; xây dựng đề án vị trí việc làm, đề án tự chủ tài chính của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn tỉnh). Thực hiện công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ và các chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn chuyên trách đảm bảo theo quy định. Cử 31 đồng chí đi học trung cấp, cao cấp chính trị, 23 đồng chí học thạc sĩ, 83 đồng chí học đại học phần công đoàn, giảng viên kiêm chức 25 cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở... Đến nay, cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh có 19 thạc sĩ chiếm tỷ lệ 29%; đại học 46 người chiếm tỷ lệ 71%; nghiệp vụ công đoàn 53 người chiếm tỷ lệ 81,5%. Về chính trị, có 30 người là cao cấp chiếm tỷ lệ 46%, 26 người có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ 40%, 04 người có trình độ sơ cấp chiếm tỷ lệ 6,15%. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã tổ chức được 105 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 17.659 lượt cán bộ công đoàn bán chuyên trách; LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 47 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 590 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách; phối hợp tổ chức 57 lớp tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, Đề án 343, An toàn giao thông,... với 6.980 lượt người tham gia, đồng thời cử hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa tập huấn do Tổng Liên đoàn tổ chức. Phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, các trung tâm đào tạo trong hệ thống công đoàn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ công đoàn, kỹ năng hoạt động và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ công đoàn qua đó góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Tổng LĐLĐ Viêt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng Kế hoạch Số 129/KH-LĐLĐ ngày 26/8/2021; Chương trình hành động Số 17/CTr-LĐLĐ ngày 23/11/2021 và Đề án số 08/ĐA-LĐLĐ ngày 15/2/2023 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Bình Định trong tình hình mới” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương triển khai thực hiện trong các cấp công đoàn. Với mục tiêu xây dựng Công đoàn Bình Định vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu quả, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với giai cấp công nhân, người lao động; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định văn minh, hiện đại.
Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn
Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh định kỳ 01, 05, 10, 15 năm tổ chức sơ, tổng kết đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 20, qua đó nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được; xác định những khó khăn, yếu kém; đề xuất kiến nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn cấp trên có giải pháp khắc phục nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 20 trong thời gian tiếp theo đạt hiệu quả. Hàng năm có hơn 95% số đoàn viên và NLĐ (nơi có tổ chức công đoàn) được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Công đoàn. Vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ và kế hoạch 23/KH-TLĐ.
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp được quan tâm triển khai, đến nay đã có khoảng 65% CNLĐ (nơi có tổ chức công đoàn) được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đạt chỉ tiêu của Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ và kế hoạch 23/KH-TLĐ.
Toàn tỉnh hiện nay có 100% số doanh nghiệp nhà nước, 70,7% doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn xây dựng và ký kết TULĐTT. Hàng năm có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức; 100% doanh nghiệp nhà nước và 71,3% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ và kế hoạch 23/KH-TLĐ.
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Định hoạt động hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ trên địa bàn.
Chỉ tiêu về công tác phát triển đoàn viên có sự thay đổi liên tục theo tình hình mới chưa đạt theo các kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao hàng năm; không đạt chỉ tiêu 90% trở lên số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và có từ 25 lao động trở lên thành lập được tổ chức CĐCS.
Hàng năm toàn tỉnh có khoảng 85% CĐCS ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và 54,7% CĐCS ở khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ và kế hoạch 23/KH-TLĐ.
Có 100% cán bộ công đoàn chuyên trách, hơn 85% cán bộ công đoàn không chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn. Bảo đảm nguồn kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ và kế hoạch 23/KH-TLĐ.
Có 100% cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp, 100% cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở trở lên được bồi dưỡng, tập huấn nội dung về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn; đảm bảo chỉ tiêu của Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ và kế hoạch 23/KH-TLĐ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW trong thời gian tới các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW và Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị thành những chỉ tiêu phấn đấu hàng năm và nhiệm kỳ để triển khai thực hiện.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về truyền thống, tinh thần dân tộc cho đội ngũ CNVCLĐ; xây dựng giai cấp công nhân có bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, không dao động trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động CNVCLĐ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đại hội công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
4. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp về việc chấp hành các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ; đề xuất xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
5. Tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ, kịp thời phối hợp người sử dụng lao động nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, hạn chế xảy ra các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
6. Nâng cao chất lượng công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khảo sát, thống kê các doanh nghiệp đủ điều kiện để tiến hành làm việc thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên.
7. Tăng cường tổ chức các hoạt động xã hội, chăm lo đời sống cho CNVCLĐ, trong đó chú ý giải quyết chính sách nhà ở cho CNLĐ có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Tham gia sửa đổi những chính sách pháp luật phù hợp để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
8. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CNLĐ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn; chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trưởng thành từ phong trào công nhân.
9. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng nhằm tôn vinh những CNVCLĐ tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và công tác; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, các gương “Người tốt, việc tốt” trong CNVCLĐ.

Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Chi-UV BTV, Trưởng ban TGNC LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây