Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Định hiện đang quản lý và chỉ đạo 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 1553 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 429 CĐCS khu vực ngoài nhà nước. LĐLĐ tỉnh luôn xác định xây dựng CĐCS trong doanh nghiệp vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng CĐCS vững mạnh không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng đoàn viên và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh.
Nhiệm kỳ 2013-2018 và năm 2019, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phát triển được 34.617 đoàn viên mới, thành lập 222 CĐCS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, chú trọng đến cán bộ là tổ trưởng tổ công đoàn, cán bộ mới tham gia lần đầu, vì vậy, chất lượng cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp cũng được tăng lên. Nhìn chung cán bộ công đoàn vừa làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật vừa là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động để thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền lợi của hai bên trong quan hệ lao động, để giữ cho môi trường lao động được ổn định, phát triển đem lại lợi ích tốt cho các bên. Công đoàn đã đề xuất, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ, số doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động tăng hàng năm; duy trì tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với người lao động và cán bộ CĐCS để trao đổi thông tin, nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc, kiến nghị của người lao động. CĐCS cũng đã đại diện thông qua thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…đến nay đã có 271 bản thỏa ước được ký kết, trong đó thỏa ước đạt loại A 0,8%; loại B 21,4%; loại C 55,7%; loại D 22,1%. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên đã tạo thêm một bước chuyển biến quan trọng trong hoạt động công đoàn, cùng với các thỏa thuận hợp tác do Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết, LĐLĐ tỉnh đã chủ động ký kết với 12 đối tác để cung cấp các sản phẩm được giảm giá từ 5-20% cho đoàn viên, người lao động tại các CĐCS. Kết quả phân loại chất lượng CĐCS khu vực ngoài nhà nước hàng năm đối với những đơn vị đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 45- 50%.
Tuy đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung việc xây dựng CĐCS vững mạnh đối với khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là: Hầu hết cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm, lương do người sử dụng lao động trả, phụ thuộc doanh nghiệp về thời gian hoạt động công đoàn; tình trạng cán bộ công đoàn không ổn định, thường xuyên thay đổi; việc phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động… còn một số doanh nghiệp không thực hiện hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức; quan hệ lao động trong doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tuy ổn định, song nguy cơ xảy ra tranh chấp, ngừng việc vẫn tiềm ẩn; cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quá ít chỉ từ 2-3 cán bộ/đơn vị nên công tác hướng dẫn, hỗ trợ cho CĐCS không được thường xuyên. Mặt khác, tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn còn xảy ra; biện pháp chế tài của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh… đã làm cho hoạt động công đoàn gặp nhiều trở ngại, chất lượng chưa cao.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS khu vực ngoài nhà nước, các cấp công đoàn trong tỉnh cần thực hiện một số giải pháp cơ bản đó là:
Đối với CĐCS Đổi mới nội dung, nhiệm vụ công đoàn theo hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, chú trọng những nhiệm vụ thiết thực đối với đoàn viên, giảm bớt các nhiệm vụ không liên quan đến quan hệ lao động; phương pháp tô chức thực hiện phải quyết liệt sát người lao động, lấy công nhân lao động là đối tượng vận động, đối tượng phục vụ; chủ động tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, khắc phục bệnh hình thức, hành chính, quan liêu; phải xây dựng khối đoàn kết thống nhất, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, từng ủy viên BCH CĐCS phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phương pháp vận động và tổ chức các hoạt động phong trào và đề xuất giải quyết kịp thời, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của đoàn viên; xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa BCH CĐCS với người sử dụng lao động dưới nhiều hình thức; phát huy được vai trò đại diện, thực hiện tốt việc giám sát xây dựng nội quy lao động, giao kết hợp đồng lao động, giám sát trích nộp BHXH, kinh phí công đoàn…
Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở Đổi mới phương thức chỉ đạo đối với CĐCS theo hướng chuyển đổi phương thức chỉ đạo một chiểu sang trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức cho CĐCS chủ động thực hiện nhiệm vụ; cùng với CĐCS giải quyết vấn đề khó khăn vướng mắc của CĐCS, xây dựng mối quan hệ hài hòa,ổn định, tiến bộ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hạn chế những xung đột trong quan hệ lao động. Mọi vấn đề phải được giải quyết trên cơ sở có lý, có tình, phù hợp pháp luật và gắn bó hài hòa lợi ích của người lao động, chủ doanh nghiệp; tuyên truyền giáo dục về pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động, để họ tự biết bảo vệ mình; quan tâm phát huy dân chủ ở cơ sở như hội nghị người lao động đi vào thực chất, thỏa ước lao động thực hiện nghiêm túc, có nhiều khoản có lợi hơn cho người lao động; hướng dẫn CĐCS xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động với chủ doanh nghiệp; chỉ đạo CĐCS đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm vận động tập hợp công nhân lao động thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước và chăm lo tốt hơn cho người lao động; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn…
Lãnh đạo các đơn vị tham gia ký kết thực hiện chương trình hành động
về cải cách chính sách BHXH cho người lao động
Tin tưởng rằng trong thời gian đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Vinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn