Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10.7.1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang du học tại trường Trung học Mignet, miền Tây Nam nước Pháp. Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen - Provence nhận vào học tại khoa Luật của trường và tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc. Năm 1933, Nguyễn Hữu Thọ trở về nước, làm việc tại văn phòng của một luật sư người Pháp. Sau 5 năm tập sự, năm 1939, Nguyễn Hữu Thọ đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành luật sư thực thụ, mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếng tăm của vị luật sư trẻ tài năng, luôn bênh vực lẽ phải lan ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Từ năm 1941 - 1945, Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động yêu nước trong tổ chức Thanh niên Tiền phong, dưới danh nghĩa của tổ chức Hướng đạo sinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông là một trong các trí thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trở thành trí thức cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ tích cực hoạt động kháng chiến ở Sài Gòn bằng những hình thức phù hợp. Ông cùng đồng chí, đồng đội - những người hoạt động hợp pháp, những cán bộ lãnh đạo bí mật, những chiến sĩ bị giặc bắt giam cầm, xử án và nhân dân yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn đấu tranh với kẻ thù trên nhiều trận địa. Cuộc chiến đấu âm thầm, không tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi sự tỉnh táo, thông minh và sáng suốt. Ngoài nhiệm vụ của một luật sư yêu nước, Nguyễn Hữu Thọ còn tiến hành cuộc đấu tranh trong nhiều hoạt động khác, như vận động các trí thức Sài Gòn ra bản Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với Chính phủ kháng chiến để lập lại hòa bình trên cơ sở công nhận độc lập, tự do cho Việt Nam.
Ngày 16.10.1949, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức. Trở thành người cộng sản, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ càng tăng lên. Trong những năm 1949 - 1950, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ hòa nhập vào cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân các vùng bị tạm chiếm. Chỉ mấy tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mà đỉnh cao là cuộc biểu tình nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn, người phản đối thực dân Pháp và ngụy quyền đàn áp dã man, giết hại nhiều học sinh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã nổ ra mạnh mẽ. Nhằm thủ tiêu ý chí, cô lập đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với phong trào cách mạng, thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn đày ải đồng chí ra vùng Tây Bắc, nhưng khi trở về Sài Gòn đồng chí lại tiếp tục đấu tranh công khai, bào chữa cho các chiến sĩ kháng chiến bị bắt, tham gia phong trào hòa bình.
Trong những năm đấu tranh, rồi bị bắt giam ở Sài Gòn (1954), bị đưa ra an trí ở Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955 - 1961), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trải qua những năm tháng gian khổ, nhưng thể hiện khí tiết kiên cường của một đảng viên cộng sản. Sau khi được cứu thoát, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trở về vùng giải phóng và trở thành người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, đồng chí trực tiếp lãnh đạo nhân dân chiến đấu với kẻ thù. Tinh thần yêu nước, sự thông minh tài giỏi, phẩm chất đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng tạo nên người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Thọ bất khuất, kiên cường, giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau chiến thắng 30.4.1975, những hy sinh mất mát của đồng bào, đồng chí đã thôi thúc đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam. Với cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thức rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với nhân dân. Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (6.1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (4.1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (7.1981). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (11.1988), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem hết sức lực của mình để phục vụ cho Đảng, cho đất nước và cho nhân dân.
Noi gương đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tác giả bài viết: Quang Lợi (CĐCS Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – CĐVC tỉnh)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn