* Chọn đúng chủ đề phát triển đoàn viên, nhiệm vụ “sống còn” của tổ chức Công đoàn
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân.”. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 với mục tiêu “xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
Những văn kiện của Đảng đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường, dịch bệnh, xung đột lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo diễn biến vô cùng phức tạp. Trong nước, việc ký kết, thực hiện cam kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EAEU-VN FTA,… và phê chuẩn các công ước quốc tế về lao động như Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và trong thời gian tới là Công ước 87 về Quyền tự do liên kết…. đã đặt ra cho tổ chức Công đoàn Việt Nam một thử thách chưa từng có trong lịch sử hơn 90 năm ra đời, trưởng thành và phát triển, đó là sự cạnh tranh với các tổ chức khác của công nhân tại doanh nghiệp.
Muốn thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết 02-NQ/TW đã đặt ra là phấn đấu đến năm 2023 có 12 triệu đoàn viên, đến năm 2025 có 13,5 triệu đoàn viên; đến năm 2030 có 16,5 triệu đoàn viên và đến năm 2045 thì hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tìm ra những giải pháp phù hợp, đặc biệt là các giải pháp phát triển tổ chức trong khu vực doanh nghiệp mà địa bàn khu công nghiệp là trọng điểm.
Quang cảnh buổi Hội thảo
* Công tác chuẩn bị chu đáo, có chất lượng
Sau khi thống nhất với các đơn vị trong cụm (gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà), CĐKKT tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo, phân công công việc, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm, chương trình, mời các cơ quan, đơn vị tham gia viết bài tham luận, … đón tiếp các đoàn đại biểu các KCN tỉnh bạn và đại biểu các cơ quan trong tỉnh đến dự Hội thảo.
Về số lượng, ngoài chủ nhà Bình Định, có 6/9 tỉnh có công đoàn các KCN, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế được mời cử đoàn đến tham dự gồm: TP Đà Nẵng, các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Có 5/5 cơ quan cấp tỉnh được mời đã đến dự Hội thảo gồm Liên đoàn Lao động tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh. Có 4/4 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc CĐKKT tỉnh Bình Định tham dự đầy đủ. Có 14/15 đơn vị được mời đã gửi tham luận, báo cáo cho Hội thảo.
Đ/c Lê Thành Công Danh – Đoàn Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo
* Những giải pháp chủ yếu về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở rút ra từ Hội thảo
Thứ nhất, phát huy tính chủ động trong việc phối hợp với ban quản lý các khu kinh tế và KCN khảo sát nắm tình hình doanh nghiệp, xây dựng các phương án, thành lập các đoàn công tác với đủ thành phần từ cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, chủ đầu tư hạ tầng và địa phương đến làm việc với doanh nghiệp về vấn đề thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hài hoà với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động; đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS để duy trì, hướng dẫn, giúp đỡ đội ngũ cán bộ công đoàn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, góp phần phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền về quyền lợi để người lao động (NLĐ) hiểu lợi ích khi gia nhập tổ chức công đoàn, nhất là trong trường hợp quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm thì việc một tập thể đứng ra đòi quyền lợi bao giờ cũng có tầm ảnh hưởng hơn là một cá nhân và việc tham gia công đoàn của NLĐ chính là vì lợi ích của chính họ; nếu chỉ đứng riêng một mình và đấu tranh vì lợi ích cá nhân, NLĐ sẽ hoàn toàn yếu thế trước người sử dụng lao động.
Thứ ba, vận dụng có hiệu quả các thiết chế công đoàn của tổ chức công đoàn để làm bàn đạp, làm cơ sở thu hút đoàn viên, NLĐ đến tham gia, thụ hưởng các hoạt động văn hoá, tinh thần, từ đó dẫn dắt họ tham gia vào tổ chức công đoàn.
Thứ tư, đó là sự nhạy bén của tổ chức công đoàn tại cơ sở, biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, nhất là trong đại dịch Covid-19 để NLĐ thấy được sự quan tâm, chăm lo, chia sẻ của tổ chức công đoàn, từ đó tự nguyện tham gia, điển hình như các mô hình Chuyến xe nghĩa tình, Gian hàng 0 đồng, Đi chợ giúp dân, Áo xanh công đoàn, Túi quà yêu thương,…
Bên cạnh các nhóm giải pháp trên, phát biểu tại hội thảo, một số CĐCS đã giới thiệu những cách làm thực tế đã triển khai tại đơn vị mình, tập trung vào quan tâm giải quyết quyền lợi của đoàn viên công đoàn tại cơ sở, nhóm ý kiến này đa số do các đồng chí cán bộ CĐCS tham gia phát biểu, trong đó nêu bật hiệu quả của việc tham mưu đúng, trúng với lãnh đạo doanh nghiệp, phù hợp tình hình thực tế của doanh nghiệp và NLĐ. Kết quả của những việc làm này là lãnh đạo doanh nghiệp đã tôn trọng và tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, là sự tin tưởng của NLĐ đối với tổ chức công đoàn, tham gia tích cực các phong trào do công đoàn triển khai và tổ chức,…
Kết quả của Hội thảo đã làm rõ thêm những cách làm đúng trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong tình hình hiện nay, qua đó mỗi đơn vị, địa phương đều đã rút ra cho mình những kinh nghiệm phù hợp để triển khai thực hiện trong thời gian tới, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Tác giả bài viết: Linh Chi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn