Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, người lao động góp phần xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thứ năm - 04/01/2024 07:59
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, trong đó có lực lượng đông đảo đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ).
 
TG190120241
             Tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động cho đoàn viên, người lao động tại Công ty TNHH May Hoài Sơn

Nhìn chung đại bộ phận ĐVNLĐ đều tốt, tuy nhiên thực trạng hiện nay, ĐVNLĐ đang có những hạn chế trong việc tiếp cận pháp luật, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, như vi phạm hợp đồng lao động, không chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động nơi làm việc; vi phạm quy định về tham gia BHXH bắt buộc… Trước thực trạng đó, để nâng cao nhận thức pháp luật, giúp cho ĐVNLĐ chấp hành tốt pháp luật cũng như biết tự bảo vệ mình và cùng nhau xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-TLĐLĐVN ngày 12/9/2017 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Công an tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp, ban hành các kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kế hoạch tuyên truyền pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động. Công tác tuyên truyền, vận động trong ĐVNLĐ tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm và có nhiều hình thức tổ chức đa dạng, nội dung phong phú và cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Công an về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cũng như các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong ĐVNLĐ; vận động ĐVNLĐ tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; tích cực tham gia thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người, an toàn giao thông, về phòng chống tác hại của thuốc lá. Qua đó giúp cho ĐVNLĐ nắm bắt được những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó tập trung vào các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, lợi dụng mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, ngừng việc tập thể trong các doanh nghiệp để kích động, gây mất ổn định chính trị. Từ đó, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm trong công tác giữ gìn an ninh trật tự; không để các đối tượng chống đối trong và ngoài nước lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo công nhân làm trái quy định. Qua đó chủ động phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, hạn chế tối đa đình công, lãn công.

 
TG190120242
  Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ĐVNLĐ của LĐLĐ tỉnh

Tăng cường tuyên truyền các văn bản luật, tin, bài, phóng sự của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên Cổng thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh, trên zalo, facebook Công đoàn và hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền trực quan trên bảng tin, pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trực tiếp tại các doanh nghiệp. In 60.000 tờ gấp tuyên truyền về pháp luật lao động; duy trì mô hình tặng báo miễn phí (11.052 tờ Báo Lao động) hàng năm cho 34 CĐCS các xã khó khăn; xây dựng phát sóng 12 chương trình Tạp chí truyền hình Công đoàn Bình Định/năm, lồng ghép tuyên truyền pháp luật và các tấm gương người tốt, việc tốt, các tập thể, mô hình tiêu biểu trong công tác tuyên truyền PBGDPL và chấp hành pháp luật của ĐVNLĐ. LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố tích cực tăng cường phối hợp với đài truyền thanh cùng cấp trong công tác tuyên truyền hoạt động công đoàn thông qua hệ thống loa truyền thanh tại đơn vị; LĐLĐ tỉnh tổ chức 19 hội nghị tập huấn, sân khấu hoá, 20 hội thi dưới hình thức gameshow tuyên truyền về về bình đẳng giới, an toàn giao thông; tổ chức 7 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về các nghị quyết của Đảng, Công đoàn, tìm hiểu về pháp luật trong ĐVNLĐ với hơn 110.000 lượt ĐVNLĐ tham gia. Toàn tỉnh tổ chức 19.626 cuộc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của ĐVNLĐ cho hơn 1.512.000 lượt ĐVNLĐ tham gia. Hàng quý, tổ chức hội nghị báo cáo viên và cán bộ công đoàn chủ chốt kịp thời thông tin, phổ biến tình hình thời sự, định hướng tuyên truyền cho các cấp công đoàn; tổ chức triển khai nội dung học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, các cấp công đoàn thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời tổng hợp, phản ánh ý kiến, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của ĐVNLĐ đến với Đảng, Nhà nước. LĐLĐ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức đối thoại với người lao động; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với ĐVNLĐ trên địa bàn tỉnh trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại hội nghị cán bộ, ĐVNLĐ có nhiều ý kiến, kiến nghị trực tiếp gửi đến UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được ghi nhận và giải quyết. Chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Định thực hiện tư vấn 1.356 vụ việc. Qua đó, đã giúp cho người lao động nhận lại được số tiền hơn 2,15 tỷ đồng.
Thông qua các mô hình tổ chức PBGDPL trong các cấp công đoàn của tỉnh đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho ĐVNLĐ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên có lúc, có nơi trên địa bàn vẫn có những diễn biến phức tạp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan Công an, chính quyền địa phương chưa thường xuyên.
Xác định công tác tuyên truyền PBGDPL là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian tới LĐLĐ tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Quy chế phối hợp số 04/QC-BCA-TLĐLĐVN ngày 25/4/2023 giữa Bộ Công an và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác bản đảm an ninh, trật tự đã đề ra.
Tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVNLĐ. Hàng năm, công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; có nội quy, quy chế bảo vệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; bảo vệ bí mật nhà nước; bảo vệ chính trị nội bộ; phòng, chống cháy nổ...

 
TG190120243
LĐLĐ tỉnh phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT trong ĐVNLĐ
 
Tập trung nâng cao công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn; củng cố, kiện toàn mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên PBGDPL của hệ thống công đoàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác công đoàn; phát huy vai trò công đoàn cấp trên để giúp đỡ công đoàn cấp dưới nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ vững an ninh trật tự.
Tăng cường công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ĐVNLĐ; chỉ đạo công đoàn cơ sở doanh nghiệp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; trong đó tập trung thương lượng những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp chỉ đạo triển khai, thực hiện lồng ghép công tác PBGDPL với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng một cách thiết thực, có hiệu quả.
Tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện định kỳ, đột xuất cho công nhân lao động (mô hình “Ngày pháp luật”, “Tháng Công nhân”,…); tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật theo các hình thức trực tuyến hoặc sân khấu hóa; phát hành tờ rơi; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí; chú trọng công tác truyền thông trên mạng xã hội… để truyền tải các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với ĐVNLĐ.

Tác giả bài viết: Kim Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây