Công đoàn Bình Định những đấu ấn lịch sử
Trong thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giải phóng tỉnh Bình Định có sự đóng góp xứng đáng của công nhân, lao động tỉnh nhà. Đó là, thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống, đánh địch bảo vệ nhà máy, kho tàng, tài sản của nhà nước; sau giải phóng 2 ngày, mọi sinh hoạt, sản xuất đã nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường; công nhân lao động còn là mũi tiến công lợi hại, đã đóng góp tích cực trong việc tổ chức đánh địch, tạo điều kiện cho quân giải phóng tiêu diệt Sư đoàn 22 chủ lực ngụy, đánh địch làm chủ trận địa phía quân Cảng Quy Nhơn, ngăn cản địch tháo chạy, giải cứu đồng bọn bằng đường biển, giải phóng hoàn toàn thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Nhanh chóng làm hồi sinh thành phố trở lại, nhất là: công nhân Nhà máy Nước, công nhân Đường sắt, công nhân Nhà máy Điện, lao động ngư nghiệp Phước Châu (nay là Nhơn Châu), Khu 1, Khu 2 (Quy Nhơn), công nhân khuân vác, công nhân vận tải, công nhân vệ sinh và đông đảo bà con lao động khi cách mạng vào tiếp quản đã sẵn sàng tiếp nhận và hăng hái phục vụ mọi công tác theo yêu cầu của cách mạng.
Sau ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31/3), Công đoàn đã nhanh chóng vận động tập hợp công nhân 12 đơn vị, thành lập Ban vận động Công đoàn giải phóng. Toàn tỉnh có 4.339 đoàn viên; tổ chức công nhân, lao động thành đội ngũ chỉnh tề dự lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Bình Định, ngày 08/4/1975; công nhân, lao động còn gương mẫu, làm nòng cốt trong việc bảo vệ và xây dựng chính quyền Cách mạng mới thành lập; kịp thời phát hiện ác ôn lẩn trốn, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, tàn quân, kho tàng, vũ khí... bắt hàng trăm tàn quân địch; tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1975. Đặc biệt là công nhân Đường sắt được vinh dự nhận nhiệm vụ khắc phục nhanh chóng các hỏng hóc về kỹ thuật, đầu tàu, toa xe, kịp thời phục vụ vận chuyển quân giải phóng và vũ khí, khí tài cho cách mạng, nhanh chóng chi viện giải phóng các tỉnh phía Nam và phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài gòn.
Thành quả 45 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định (31/3/1975 -31/3/2020)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn nhất, toàn diện nhất và triệt để nhất chưa từng có từ trước đến nay, tạo thế và lực mới cho cán bộ, quân dân Bình Định tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh đưa tỉnh ta không ngừng tiến lên. Trải qua 45 năm kể từ ngày giải phóng toàn tỉnh (31/3/1975 - 31/3/2020), phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân trong tỉnh, thời cơ thuận lợi và vượt qua những khó khăn, thách thức, tỉnh Bình Định tạo nên những thành quả rất đỗi tự hào, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bình Định, là tỉnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ - Ngụy. Sau ngày giải phóng quê hương, nổi lên những vấn đề xã hội rất gay gắt, số người thuộc diện thiếu đói lên đến 17.800 người, có 85.400 người bị địch dồn, lánh nạn nay trở về làng cũ chưa có nơi ăn, ở, tư liệu sản xuất thiếu thốn, toàn tỉnh có hơn 47 vạn người thất nghiệp. Riêng Quy Nhơn có 15.084 người thất nghiệp, 10.000 ngư dân phải chạy ăn từng bữa, 3.000 người thuộc diện cứu đói. Tính đến ngày 31-12-2006, toàn tỉnh Bình Định có trên 61.600 người tàn tật, chiếm tỷ lệ 3,96% dân số, trong đó do hậu quả chiến tranh 22.114 người (35,9%). Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công, tính đến năm 2005 đã có hơn 130.000 đối tượng, trong đó có 43.000 người được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Phát huy cao độ tinh thần yêu nước cách mạng, đoàn kết, sáng tạo. Sau ngày giải phóng quê hương, trải qua 45 năm (1975 - 2020), vuợt qua biết bao khó khăn, thách thức, Bình Định đã có nhiều nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nền kinh tế phát triển toàn diện về mọi mặt, tốc độ tăng trưởng ngày càng cao hơn. Giá trị tổng sản phẩm địa phương giai đoạn 1976 - 1980 tăng 5,6%, 1981 - 1985 tăng 8,3%, 1991 - 2000 tăng 8,6%, 2001 - 2005 tăng 9,08%, 2006 - 2010 tăng 10 %, 2010 - 2015 tăng 10,9% cao hơn mức bình quân cả nước (6,29%), năm 2018 :7,08%, năm 2019: 6,81%. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. GDP bình quân đầu người năm 2011 -2015 đạt 940 USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2005. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản xóa hộ đói vào năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cụ thể, năm 2004: 6,68%, 2005; 5%, 2010: 8%, 2015: 8,3 % (theo tiêu chí mới), năm 2019 giảm xuống còn 7,01%, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nhờ thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ( 2014-2015), năm 2016 hợp nhất Cuộc vận động “Toàn dân đoàn két xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo", thành Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chỉ tính 5 năm ( 2014-2019), vận động đóng góp vào quỹ vì người nghèo 66,567 tỷ đồng; 10 năm xây dựng nông thôn mới (2011-2020) có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu phấn đấu Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ 19) và 2/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Những thành tựu đó là kết quả phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp rất xứng đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 "Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Cụ thể hóa Nghị quyết trên vào điều kiện cụ thể tỉnh Bình Định vấn đề tập hợp, phát huy vai trò, vị trí của đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn đã có những chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, tổ chức và hành động. Với hơn 100.000 CNVCLĐ, cùng với việc đẩy mạnh CHN, HĐH, trí thức hóa đội ngũ công nhân, là lực lượng nòng cốt trong hơn 7.000 doanh nghiệp, trực tiếp làm ra những sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu và quốc kế dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Ngọc Anh - Nguyên PCT LĐLĐ tỉnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn