Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Công đoàn Bình Định hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, góp phần giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước

Thứ ba - 13/10/2020 16:11
Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua Ái quốc, nội dung và mục tiêu thi đua được Bác Hồ khái quát : “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Từ đây phong trào thi đua Ái quốc ở tỉnh Bình Định nói chung, Công đoàn tỉnh nói riêng đựơc duy trì và liên tục phát triển, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, xây dựng quê hương, đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 giờ ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bùng nổ trên phạm vi toàn quốc, nhân dân ta đã kiên cường, bất khuất vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bình Định là vùng tự do của Liên Khu V, hậu phương lớn của cụôc kháng chiến. Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh trong xây dựng, chiến đấu bảo vệ quê hương và chi viện cho tiền tuyến.
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Hồ Chí Minh (ngày 11/6/1948), nhân dân cả nước đáp lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những ngày kháng chiến gian khổ, ác liệt, với tinh thần tự lực cánh sinh “Tất cả cho tiền tuyền, tất cả cho chiến thắng”. Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh vào tháng 3 năm 1953, toàn tỉnh đã biểu dương: 33 chiến sỹ thi đua trong công nhân, 32 chiến sỹ thi đua trong nông dân, 31 chiến sỹ thi đua quân đội và 100 chiến sỹ dân công và dân quân (theo báo cáo Tỉnh ủy năm 1953). Riêng công nhân trong công nghiệp đã biểu dương 425 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 33 chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và 1.215 sáng kiến.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Bình Định được coi là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, trong gian khó, hy sinh, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát huy, nhân rộng, khơi dậy ý thức tự nguyện, nhân tài, vật lực cho cách mạng, là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Từ ngày 20/6/1965 đến 20/7/1965, tỉnh tổ chức liên hoan chiến sỹ thi đua từ xã đến tỉnh. Phong trào thi đua giai đoạn này hướng vào mục tiêu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, phong trào du kích chiến tranh trong công nhân lao động nở rộ, chỉ điểm, dẫn đường cho các lực lượng cách mạng tiêu diệt 105 tên Mỹ. Tiếp đó, Đại hội thi đua công - nông - binh lần thứ lần thứ hai trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến hành vào tháng 3 năm 1969. Qua 3 năm (1966-1968) theo kế hoạch chia thành 3 đợt thi đua:1- Từ tháng 2/1966 - 8/1966 phát động phong trào thi đua “Toàn dân quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, bẻ gãy kế họach mùa khô của địch”. 2- Từ ngày 2/9/1966 đến 12/ 1966, phát động phong trào “Tự hào dân tộc, hiến kế, hiến sức chống Mỹ cứu nước”. 3- Năm 1967, phát động phong trào “Tây Sơn quyết thắng, năm 1968, phát động phong trào “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Kết quả các lực lượng cách mạng đã loại 82.335 tên địch ( trong đó có 26.157 tên Mỹ), bắn rơi và phá hủy 711 máy bay. Với những kết quả đạt nêu trên, được thưởng tặng 2 Huân chương thành đồng hạng nhất, 6 Huân chương thành đồng hạng hai, 7 Huân chương thành đồng hạng ba, 218 Huân chương giải phóng hạng nhất, nhì, ba và 52 Huy chương hạng nhất, nhì (theo Báo tổng kết phong trào thi đua công-nông-binh tỉnh Bình Định năm 1969).
Từ sau ngày giải phóng quê hương ( ngày 31/3/1975), phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớn nhân dân, công nhân, viên chức, lao động tiếp tục phát triển trong điều kiện mới, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội (1975-1985), nhất là trong 20 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2005), công tác tuyên truyền, phổ biến thi đua khen thưởng được coi trọng, thu hút đông đảo lực lượng CNLĐ tham gia tích cực, tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; thể hiện ý chí quyết tâm, động viên, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên của CNLĐ ủng hộ đường lối đổi mới, kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Từ năm 2006 đến 2020, trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Luật thi đua khen thưởng của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004 và Quyết định 777/QĐ-TLĐ ngày 26/5/2004 của Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành kèm theo Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn, qua đó nâng cao nhận thức và hành động của các cấp công đoàn và CNVCLĐ đối với các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
Các cấp Công đoàn đã nhận thức đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới; tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, khơi dậy được lòng yêu nước và ý chí quyết tâm vượt khó khăn. Đặc biệt là năm 2009, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức tôn vinh, biểu dương 80 CNLĐ tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập trên các lĩnh vực công tác và gặp gỡ hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả 5 năm (2005-2009), có 118 đề tài lao động sáng tạo của 160 tác giả và đồng tác giả được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng và huy hiệu Lao động sáng tạo.
Từ năm 2010 đến 2015, các cấp công đoàn tiếp thu và quán triệt sấu sắc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 49-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Hàng năm công đoàn phát động thi đua, có 100% công đoàn cấp trên cơ sở và từ 85 % công đoàn cơ sở đăng ký thi đua, có 230 công trình, sản phẩm mới với giá trị hơn 205 tỷ đồng, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức gắn biển 36 công trình, sản phẩm tiêu biểu, có 15.655 sáng kiến, kinh nghiệm làm lợi hơn 110 tỷ đồng. Trong đó có 10.848 là sáng kiến của công nhân, cán bộ trực tiếp sản xuất, 4.422 sáng kiến, kinh nghiệm của cán bộ quản lý và 385 là các nghiên cứu của cán bộ khoa học. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xét tặng Bằng LĐST cho có 124 đề tài của 106 cá nhân; Hàng năm, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, có 100% công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Kết quả đã được Tổng Liên đoàn đã tặng 05 cờ và 34 Bằng khen cho tập thể và cá nhân về “An toàn vệ sinh viên giỏi”. Phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và xây dựng “gia đình CNVCLĐ thành đạt” có 28.000 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp; 523 lượt gia đình đạt danh hiệu “Gia đình CNVCLĐ thành đạt” các cấp, trong đó có 38 gia đình đạt cấp tỉnh; TLĐ tặng Cờ, BK cho: 37 tập thể và cá nhân nữ; LĐLĐ tỉnh đã tặng BK cho 294 tập thể và cá nhân nữ. Trong 5 năm (2010-2015), đã thành lập mới 292 công đoàn cơ sở, nâng số công đoàn cơ sở toàn tỉnh lên 1.522 công đoàn cơ sở; phát triển 21.710 đoàn viên, nâng số đoàn viên toàn tỉnh lên 76.561 đoàn viên, bình quân hàng năm có hơn 80 % CĐCS đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc. Phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động còn gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có 35 tập thể, 70 cá nhân có thành tích tiêu biểu được LĐLĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Thực hiện Chủ đề của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (2015-2020) “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Nghị quyết 07/NQ-BCH, ngày 03/3/2020 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong CNVCLĐ và các cấp công đoàn. Trong 5 năm (2015-2020) đã có trên 16.000 sáng kiến được ứng dụng vào phục vụ thực tiễn làm lợi hơn 250 tỉ đồng; trong đó có 5.200 là sáng kiến của công nhân, cán bộ trực tiếp sản xuất. Có 61 đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao, 56 đề tài của 48 tác giả được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng LĐST, 14 công trình với giá trị đầu tư hơn 130 tỉ đồng được LĐLĐ tỉnh gắn biển công trình tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân.
Qua từng giai đoạn lịch sử, thuận lợi cũng như khó khăn phong trào thi đua của các cấp công đoàn đã có nhiều đổi mới, là nguồn cổ vũ, động viên CNVC-LĐ và đoàn viên ra sức thi đua, phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Công tác khen thưởng đã bám sát các quy định về tiêu chuẩn, đối tượng, việc khen thưởng cho cho người lao động, công nhân đã được chú trọng. Mục tiệu động lực, tinh thần thi đua yêu nước được khẳng định và có ý nghĩa vô cùng quan trọng khích lệ thúc đẩy thi đua, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu được biểu dương, tôn vịnh, khen thưởng; công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết thực tiễn kinh nghiệm và nhân rộng các kinh nghiệm, điển hình tiên tiến của các cấp, các ngành, đoàn thể được thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Với niềm tin, sự kính yêu và lòng biết ơn vô hạn Đối với Đảng và Bác Hồ chúng ta kỳ vọng trong thời gian tới bằng những hành động thi đua thiết thực củaq cán bộ Công đoàn các cấp và CNVC-LĐ tỉnh Đình Định sẽ góp phần vào thành công thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây