Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020): Bài học kinh nghiệm về đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở Bình Định

Thứ hai - 10/08/2020 08:49

Từ khi có Đảng ra đời ngày 03/02/1930 đã giao trọng trách cho giai cấp công nhân sứ mệnh lịch sử là đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và lao động, giành chính quyền về tay nhân dân. Để thực hiện sứ mệnh cao cả đó, từ năm 1930 đến năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức công đoàn đã tuyên truyền giáo dục, tập hợp đông đảo công nhân lao động đấu tranh bằng nhiều hình thức, bất hợp pháp, nửa hợp pháp và công khai, với nhiều nội dung phong phú từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, nhằm chĩa mũi nhọn vào chính quyền thực dân nửa phong kiến. Nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân đòi những quyền lợi thiết thân về kinh tế, chống bắt đi phu, đi lính làm bia đỡ đạn cho Pháp, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã hòa quyện đòi quyền lợi thiết thân về kinh tế, dân chủ, dân sinh và mục tiêu chiến lược về chính trị là giành quyền độc lập dân tộc. Các cuộc đấu tranh liên tục đã làm cho thực dân và phong kiến hoang mang, dao động và lo sợ trước sức mạnh của quần chúng công nhân lao động, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của địch. Đồng thời với phong trào công nhân phát triển, xây dựng và củng cố lực lượng, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Chớp lấy thời cơ thuận lợi, trong tỉnh chính quyền địch khủng hoảng, mâu thuẫn sâu sắc nội bộ, quần chúng ngã về phía cách mạng, ta kịp thời vận động công nhân lao động và nhân dân tổng khởi khởi nghĩa vũ trang, đỉnh cao là cuộc đấu tranh, xuống đường tuần hành của hàng vạn công nhân lao động và nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Cách mạng tháng Tám thắng lợi ở thành phố Quy Nhơn vào ngày 23/8/1945.
 Đặc trưng nổi bật của tỉnh Bình Định trong Cách mạng Tháng Tám là bằng sức mạnh của quần chúng công nhân lao động đấu tranh giành chính quyền ở thành phố, tỉnh lỵ trước (các tỉnh phía Bắc giành chính quyền ở nông thôn trước), sau đó tiếp tục giành thắng lợi ở đồng bằng và vùng núi, điều này thể hiện sức mạnh và vai trò của phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Bình Định trong thời điểm lịch sử có tính quyết định. Hội công nhân cứu quốc, các đội tự vệ sắt ra đời được đông đảo công nhân tham gia, cũng là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh nhà.
Thực tiễn đấu tranh giành chính quyền cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, nổi bật là:
1. Có một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, chớp lấy thời cơ, chú trọng xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát động quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.
2. Ngay từ khi các tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh thành lập và trực tiếp lãnh đạo cách mạng đã quán triệt quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình của cách mạng, dựa vào dân, tin vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân, phân công đảng viên đi sâu, đi sát trực tiếp tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân, hướng dẫn đấu tranh giành quuyền lợi thiết thân hàng ngày, mà công nhân là thành phần bị bóc lột, bị đàn áp bằng nhiều hình thức khốc liệt, chính họ có tinh thần triệt dể cách mạng nhất.
3. Muốn cho cách mạng thành công điều tiên quyết là phải dựa vào quần chúng, nhưng tổ chức quần chúng phải được giáo dục rèn luyện ghép vào tổ chức, các hình thức tổ chức của công đoàn thời kỳ này như: Công hội đỏ, Hội công nhân phản đế, Hội ái hữu, Hội công nhân cứu quốc, phù hợp với tình hình cách mạng, có khả năng quy tụ quần chúng lao động vào tổ chức, đẩy mạnh các phong trào đấu tranh từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ thắng lợi cục bộ, nhỏ lẻ đến thắng lợi hoàn toàn.
4.Trong mọi hoàn cảnh thuận lợi cũng như khó khăn, các tổ chức Đảng trong tỉnh đã thấy được khả năng, sức mạnh của quần chúng lao động, đựa vào quần chúng và hướng mọi cuộc đấu tranh của quần chúng nhằm từng bước giành quyền và lợi ích về dân sinh, dân chủ, đồng thời thực hiện mục tiêu cao cả là giành chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân.
5. Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước (2/9 1945-2/9/2020)), hơn lúc nào hết các cấp công đoàn tỏ rõ tinh thần và trách nhiệm của mình cần nhận thức đầy đủ những bài học kinh nghiệm quý giá, tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Vì sự lớn mạnh, hiệu lực và hiệu quả của chính quyền là cơ sơ, điều kiện thuận lợi cho Công đoàn phát huy vai trò, vị thế của mình đối với việc xây dựng chính quyền, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH tỉnh nhà và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Tác giả bài viết: Th.sỹ Nguyễn Ngọc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây