Trong khuôn khổ Hội nghị gặp mặt Chuyên gia - Giảng viên TƯLĐTT năm 2020 do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich Ebert (CHLB Đức) tổ chức, các giảng viên, chuyên gia về thương lượng tập thể do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Viện Friedrich Ebert phối hợp đào tạo hơn 10 năm qua đã hướng dẫn, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay cho đại diện gần 20 LĐLĐ các tỉnh; với nhiều nội dung quan trọng như: Kinh nghiệm trong công tác TƯLĐTT; Kinh nghiệm thương lượng TƯLĐTT nhóm ngành gỗ tại Đồng Nai, nhóm ngành Du lịch thành phố Hạ Long; kinh nghiệm xây dựng, vận hành Thư viện đề án TƯLĐTT; Triển khai nhiệm vụ công tác TƯLĐTT của Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2020-2023, định hướng 2030; Giới thiệu về Dự án đào tạo chuyên gia thương lượng tập thể về tiền lương; Hội thảo đóng góp ý kiến về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động về thương lượng tập thể và TƯLĐTT… Ngoài ra, các giảng viên, chuyên gia đã báo cáo kết quả công tác chuyên gia, giảng viên về TƯLĐTT tại địa phương, chia sẻ các kinh nghiệm chuyên sâu về hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Công đoàn cấp trên đối với CĐCS trong thương lượng với các chủ doanh nghiệp để ký các TƯLĐTT theo hướng có lợi hơn cho NLĐ.
Tại Đồng Nai, các chuyên gia TƯLĐTT đã triển khai, thương lượng và ký kết TƯLĐTT với 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc, cùng hoạt động trong ngành gỗ. Để thực hiện thành công kế hoạch này, các chuyên gia đã thực hiện đồng bộ các giải pháp: xây dựng kế hoạch; xác định đối tác thương lượng (tổ chức đại diện giới chủ); quán triệt CĐCS thống nhất thực hiện kế hoạch; tổ chức tập huấn về đối thoại và thương lượng tập thể cho CĐCS và NLĐ các doanh nghiệp; hỗ trợ CĐCS tổ chức lấy ý kiến tập thể NLĐ về nội dung đối thoại/thương lượng, tập hợp nội dung dự kiến thương lượng, thống nhất với các CĐCS nội dung thương lượng.
Đại diện CĐCS chia sẻ kinh nghiệm với đại biểu của LĐLĐ tỉnh Bình Định
Đối với TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp Du lịch - dịch vụ thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), nhóm chuyên gia - là những cán bộ công đoàn có kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, hiểu biết về chính sách pháp luật lao động, có khả năng giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả góp phần đến ký kết thành công bản thỏa ước với 28 đơn vị tham gia, cụ thể như: cách tiếp cận với các chủ sử dụng lao động; cách xác định các nội dung, tiêu chí cần đưa ra để thương lượng, ký kết; cách thương lượng, thỏa thuận bằng nhiều biện pháp, kể cả việc tác động các mối quan hệ từ nhiều phía…
Tại LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm xây dựng, vận hành Thư viện TƯLĐTT đã phát huy được hiện quả của thư viện trong việc nâng cao chất lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT; quét và lưu trữ 7.450/9.791 bản thỏa ước vào Thư viện (tỷ lệ 76,09%). Từ đó tổng hợp những nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định pháp luật và giới thiệu đến CĐCS tham khảo vận dụng hiệu quả vào thực tiễn đơn vị.
Đối với Bình Định, dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, 15/15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai các văn bản của LĐLĐ tỉnh đến các CĐCS trực thuộc; từ đó, các CĐCS đã chủ động phối hợp người sử dụng lao động để sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị NLĐ và tổ chức lấy ý kiến NLĐ để chuẩn bị các nội dung đối thoại, thương lượng ký mới, ký bổ sung các điều khoản có lợi cho NLĐ vào các bản TƯLĐTT tại đơn vị. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”, đặc biệt tư vấn, hướng dẫn các CĐCS thực hiện quy trình thương lượng, xây dựng nội dung, kỹ năng tổ chức đàm phán, thương lượng tập thể. Đến nay đã có 274 bản TƯLĐTT được ký kết, số lượng bản TƯLĐTT có chất lượng cũng được nâng lên, có nhiều nội dung có lợi cho NLĐ như: bổ sung các chế độ phúc lợi của doanh nghiệp dành cho NLĐ (hỗ trợ nhà ở, công trình phúc lợi…), cam kết thực hiện tốt thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đảm bảo an toàn lao động; bổ sung các khoản hỗ trợ, trợ cấp ngoài lương, chế độ tiền thưởng, bữa ăn ca trong doanh nghiệp...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại; các mục tiêu kế hoạch đặt ra đối với công tác TƯLĐTT giai đoạn 2020-2023 tầm nhìn 2030, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả; đặc biệt quan tâm đến việc ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp cùng ngành nghề hay xây dựng mạng lưới chuyên gia TƯLĐTT về tiền lương…
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Công đoàn Việt Nam cảm ơn sự đồng hành của Viện Friedrich-Ebert (CHLB Đức) đã hỗ trợ tổ chức Công đoàn Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng 56 giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực này (tính đến thời điểm tháng 6/2020). Đồng thời đánh giá cao những kết quả mà các chuyên gia, giảng viên của các cấp Công đoàn trên toàn quốc đã đạt được trong thời gian qua và những góp ý, chia sẻ của đại diện LĐLĐ các tỉnh. Bà Trần Thị Thanh Hà cũng đề nghị trong thời gian đến, các cấp công đoàn mà đặc biệt là các chuyên gia, giảng viên, trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ đề ra, tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác TƯLĐTT, nâng cao về số lượng và chất lượng của TƯLĐTT, vì nếu tìm được tiếng nói chung giữa người sử dụng lao động và người lao động, các TƯLĐTT đảm bảo thực hiện tốt, doanh nghiệp sẽ ngày một phát triển, đời sống của người lao động cũng sẽ ngày càng được nâng cao.