Bình Định xứ sở của tơ lụa - dưới con mắt của tư bản Pháp
Bình Định vốn là quê hương nhân dân có truyền thống làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nổi tiếng từ bao đời, lụa Phú Phong (Huyện Tây Sơn) chẳng những nổi tiếng nhất vùng mà còn là thương phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Cũng chính vì thế từ vùng đất này Thôn Kiên Mỹ xa xưa các làng có tên “Làng Ươm”, “Xóm Cửi”. Theo tương truyền ở Phú Phong có hơn 70% số dân làm nghề ươm tơ, dệt lụa, bên cạnh nông nghiệp vẫn là nghề chính, vì thế truyền thống lao động cần cù, khéo tay, chịu thương, chịu khó được đúc kết thành ca dao lưu truyền đến ngày nay:
“ Con gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa
Con gái Cây dừa cấy lúa quanh năm”
Vào năm 1876 trở đi thực dân Pháp bắt đầu khai thông thương cảng Quy Nhơn, mở đầu cho quá trình khai thác thuộc địa tại Bình Định, nhưng thời gian đầu Pháp chỉ chú trọng xây dựng và mở rộng hệ thống giao thông, phục vụ cho công cuộc xâm lược và khai thác tài nguyên. Tháng 6/1895, hai tên tư bản Pháp Đờ-li-nhông và Parihs đến huyện Bình Khê (Bình Định) cướp đoạt ruộng đất của nông dân và khẩn hoang lập đồn điền trồng cây nông nghiệp. Trong báo cáo về Pháp có đánh giá về những thuận lợi rất cơ bản của vùng đất này “Người bản xứ mang đến chợ tơ lụa dệt, lụa sợi, kén tằm, công nghệ tơ lụa rất phát triển và một nghề buôn bán quan trọng trong tỉnh”, nguồn nguyên liệu tơ tằm, than củi, chất đốt, bùn đen dùng nhuộm vải sẵn có, nhân công lao động làm nghề thủ công dồi dào, là những lợi thế vốn có.
Nhà máy thành lập sớm (1902), số lượng công nhân đông có hơn 2.000 người ( 1945)
Đến khi Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1896-1914), vào thời điểm chính thức ổn định xây dựng bộ máy cai trị đối với nước ta, Pháp mới đầu tư các nhà máy chế biến bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương để làm giàu cho chính quốc.
Trong lợi thế và bối cảnh tình hình trên, thực dân Pháp tiến hành xây dựng Nhà máy dệt Đờ-li-nhông vào năm 1902. Đây là Nhà máy dệt có quy mô lớn thứ hai của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (sau Nhà máy dệt Nam Định). Về thời điểm thành lập, theo ông Henry trong “Kinh tế nông nghiệp Đông Dương” có viết “Công ty Đờ-li-nhông năm 1902 bắt đầu thành lập Nhà máy đầu tiên tại Phú Phong”, chỉ trong vòng không đầy một năm chuẩn bị và lắp đặt máy móc, thiết bị, đến ngày 8-2-1903 chính thức khánh thành “Nhà máy hơi nước” và đi vào sản xuất, trong tập bờ biển Đông Dương K.Cát-xô-tếch có viết: “Người ta dùng tơ để sản xuất loại nhiễu quý của Quy Nhơn nổi tiếng khắp Đông Dương, phương pháp dệt của người bản xứ quá cổ cần được sửa đổi, ông Parihs vừa lập một Trung tâm sản xuất tơ lụa tại Phú Phong, ông ta mua nguyên liệu mang về xử lý trong nhà máy tơ, vì vậy tơ lụa ở Trung bộ chỉ lớn lên mà thôi”.
Thông qua những tài liệu trên cho thấy nhà máy thành lập năm 1902 là hoàn toàn chính xác. Đến năm 1911, thực dân Pháp mở rộng độc quyền quản lý khai thác ngành dệt, ở Đông Dương hình thành nhiều công ty, trong đó có công ty Đờ-li-nhông cơ sở chính tại Phú Phong, ngoài ra có hai chi nhánh ở Giao Thủy (Quảng Nam) và Bồng Sơn (Bình Định).
Với số vốn ban đầu của Nhà máy là 1.775.000 francas (năm 1911) đến năm 1914 lến 6 triệu frances tăng hơn 3,4 lần so với năm 1911, sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) còn 3,3 triệu frances (1937) mà lãi lên tới 1.098.000 frances, bằng một phần ba số vốn đầu tư. Về sau do yêu cầu vơ vét đề bù đắp những thiệt hại trong Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) số vốn tiếp tục tăng lên, tiền lãi bình quân mỗi năm lên 15.000.000 frances.
Nhà máy dệt Đờ-li-nhông gồm 4 tòa nhà lợp ngói bố trí các phân xưởng chuẩn bị, dệt, nhuộm, cơ khí, văn phòng, hệ thống kho tàng chứa nguyên vật liệu, một ngôi nhà 2 tầng kiến trúc đẹp dành riêng cho chủ, người ta thường gọi “Lầu tiến sĩ” (Đờ-li-nhông có học vị tiến sĩ). Xưởng cơ khí điện nước gồm 6 lò hơi, 2 máy phát lực, một hệ thống giàn láp, máy Điezen, máy khoan, máy tiện, lò rèn và bơm chứa nước. Xưởng dệt gồm máy cài hoa, máy dệt thường của Pháp và máy gỗ thủ công có khoảng 180 máy (1940) tăng lên 240 máy (1945), trong đó có 50 máy thủ công hoạt động liên tục 2-3 ca một ngày.
Để điều hành sản xuất và tăng cường bóc lột sức lao động của công nhân, bộ máy quản lý gồm: một ông giám đốc là Parihs và 4 tên thực dân đặc trách các cơ sở chính (cơ khí, chuẩn bị, dệt, hành chính) bên dưới nhiều cai lý và tay chân của chúng quản lý từng bộ phận.
Nhiều sản phẩm lụa, lãnh, nhiễu, tuýt xo, sa tanh được Nhà máy sản xuất 70 vạn mét/năm. Chỉ tính mặt hàng lụa năm 1904 xuất cảng tại Quy Nhơn là 21.224 kg; sản xuất trong vòng 10 năm (1920-1930) 1,56 triệu mét, năm cao nhất 19,2 vạn mét (1926). Trong đó mặt hàng nhiễu có giá trị thương phẩm đặc biệt được nhiều nước ưa thích “đạt tiêu chuẩn quốc tế”.
Nguồn nguyên liệu tơ tằm, củi đốt lò khai thác tại chỗ, đặt cơ sở ươm tại Phú Phong có 100 bể ươm và hai cơ sở Giao Thủy 100 bể ươm sử dụng 100 công nhân, một Nhà máy ươm tại Bồng Sơn có 54 bể ươm với 100 công nhân, như vậy có đến 254 bể ươm cung cấp tơ cho nhà máy, các cơ sở ươm này có trạm mua kén ở các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ngoài ra, từ năm 1930 trở đi, nhà máy nhập tơ từ Trung Quốc, năm cao nhất nhập 14,4 vạn kg (1926) với giá 0,82đ/kg. Theo Nghị định ngày 14-4-1930, Pháp khuyến khích nhân dân địa phương sản xuất được 1kg kén thì Nhà nước “bảo hộ” trợ cấp 0,20đ, nhưng thực thế chúng trả cho nhân dân 0,10đ.
Cùng với sự đầu tư kỹ thuật, đội ngũ công nhân nhà máy không ngừng lớn lên về số lượng. Trước 1911 có 600 công nhân tăng lên 1.000 công nhân (1930), 1.500 công nhân (1937), có khoảng 2.000 công nhân (1945), phần lớn công nhân có nguồn gốc từ nông dân có nghề thủ công và nông dân nghèo bị mất ruộng đất tại Phú Phong chiếm 95%, trong số đó nữ chiếm 80%, công nhân cơ khí chiếm tỷ lệ không nhiều đều xuất thân từ trường kỹ nghệ thực hành Vinh, lớp công nhân này có trình độ chuyên môn cơ khí kỹ thuật cao, sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo.
Các cuộc đấu tranh tiêu biểu của công nhân đến năm 1945
Đời sống công nhân nhà máy rất cơ cực, ngày làm từ 10-12 giờ với đồng lương chết đói 1-1,2 hào, lại còn bị chủ bớt xén, cúp phạt vô cớ. Đặc biệt đối với những công việc nặng nhọc như lấy củi đốt lò lại càng khốn khổ, áo đổi vai, quần đổi ống, thậm chí không có mà mặc. Bọn chủ và cai tăng cường quản lý nghiêm ngặt công nhân và đánh đập công nhân không thương tiếc, theo cụ Trần Bá đã kể lại với chúng tôi “Cứ cách 5 phút chúng đặt một cái roi để cai tiện đánh đập công nhân”. Chúng không thực hiện chế độ bảo hộ đối với công nhân, đau ốm không có thuốc, nếu bị tai nạn hoặc đau ốm nặng bị chúng sa thải, đó là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của công nhân, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo.
Đó là cuộc đấu tranh của công nhân nhân ngày quốc tế lao động 1/5/1939 với khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đòi quyền dân sinh dân chủ. Cuộc đấu tranh năm 1940, nhân tên cai Sialime đánh đập, sỉ nhục anh công nhân Nguyễn Hoàng. Năm 1941, công nhân đồng loạt bãi công 4 ngày liền, đưa yêu sách đòi tăng lương 5 xu/ngày, hạn mức khoán giành được thắng lợi. Đầu năm 1942, khi một nữ công nhân bị đánh đập tàn nhẫn, hơn 300 nữ công nhân nhất tề bãi công, đưa yêu sách đòi tăng lương 20%, làm không quá 10 giờ/ngày, không được đánh đập, cúp phạt công nhân. Chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám 1945, ở đây Hội công nhân cứu quốc ra đời (5/1945), lãnh đạo và làm nòng cốt trong phong trào công nhân, đến tháng 7/1945, xây dựng được 10 tổ với 100 hội viên công nhân cứu quốc, hơn 100 đội viên tự vệ, công nhân đã làm nòng cốt, đi đầu tham gia giành chính quyền về tay nhân dân thắng lợi ở Quy Nhơn ngày 23/8/1945. Từ ngày thành lập 1902 đến 1945, công nhân Nhà máy dệt Đờ-li-nhông đã góp phần xứng đáng vai trò tiên phong của mình, là niềm tự hào chung của giai cấp công nhân tỉnh nhà, đã để lạo những dấu ấn tốt đẹp, góp phần tô thắm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định.
Tác giả bài viết: Th. S Ngọc Anh Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn