Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Giải pháp nâng cao công tác bình đẳng giới trong CNVCLĐ

Thứ tư - 18/11/2020 08:10
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, giải phóng phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện là một trong những mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam.Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, điều đó đã được thể hiện rõ trong các văn bản Luật, Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch,… nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm khoảng cách giữa nam và nữ, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực của mình đóng góp cho đất nước.


Việc triển khai lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện và từng bước có hiệu quả thiết thực. Nhận thức của bản thân nữ CNVCLĐ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều lao động nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể; nam, nữ bình đẳng trong tham gia lĩnh vực quan hệ lao động, việc làm; công tác cán bộ nữ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm; nam, nữ được bình đẳng trong tham gia hoạt động xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần của lao động nữ được nâng lên;…
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực phụ nữ nói chung và nữ CNVCLĐ nói riêng chưa được tạo điều kiện để phát huy đầy đủ khả năng và sự đóng góp của mình cũng như chưa được thụ hưởng công bằng so với nam giới. Công tác phát triển, tạo nguồn cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Nữ CNVCLĐ ít giữ vai trò cấp trưởng và thường được bố trí đảm nhiệm trong những lĩnh vực văn hóa - xã hội. Ở một số ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương chưa quan tâm quy hoạch dài hạn để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ chủ chốt; một số doanh nghiệp khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại như phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí sắp xếp nhân sự; trong lĩnh vực lao động, việc làm lao động nữ có xu hướng bị thất nghiệp cao hơn nam giới. Nhiều doanh nghiệp việc làm của lao động nữ không ổn định, điều kiện lao động, thu nhập tiền lương không đảm bảo. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; một số vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục. Kinh phí phân bổ cho công tác tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là một số lãnh đạo, do chưa ý thức đúng tầm quan trọng của việc bảo đảm bình đẳng giới nên chưa thực sự có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Tư tưởng xem nhẹ nữ giới vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản hạn chế phụ nữ khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới  còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận phụ nữ tự ti, an phận, ngại học tập, chưa chủ động phấn đấu vươn lên.

Tin 13 1120 01

Một buổi sinh hoạt chuyên đề công tác bình đẳng giới

Để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới trong CNVCLĐ, thời gian tới các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới, xây dựng nội dung tuyên truyền hướng tới từng nhóm đối tượng CNVCLĐ; cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để tổ chức tuyên truyền.
Hai là, thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, gia đình, xã hội... cho CNVCLĐ.
Ba là, tham mưu cho cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị quan tâm công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới; nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Bốn là, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ công tác cán bộ nữ trong hệ thống công đoàn, đưa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đảng trong lao động nữ, các chỉ tiêu về bình đẳng giới vào nội dung phong trào thi đua và hoạt động công đoàn hàng năm.
Năm là, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, chú trọng đến việc kiểm tra nội dung thực hiện Luật Bình đẳng giới, việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ.
Sáu là, phát huy vai trò của ban nữ công quần chúng, phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động cho công tác bình đẳng giới

Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Chi - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TIN ĐA PHƯƠNG TIỆN
BAN TIN CONG DOAN BINH DINH
Thống nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây